Đi tìm sự đồng thuận

GD&TĐ - Việc đi gõ cửa từng nhà, theo dạng “bẻ đũa từng chiếc” để xin chữ ký sau khi “gửi chút quà” như thế, thể hiện sự thiếu minh bạch trong việc xử lý câu chuyện ô nhiễm môi trường

Hôm 10/8, đại diện Nhà máy bột giấy VNT-19 đã về thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để “tham vấn cộng đồng dân cư” chung quanh chuyện nhà máy xả thải ra vịnh Việt Thanh - nơi hàng trăm hộ dân hành nghề đánh cá hàng ngày.

Điều khá lạ là, thay vì họp dân trong toàn thôn/xã lại để giải thích cho họ hiểu về chuyện xả thải, đại diện nhà máy lại đi đến từng nhà và xin chữ ký, kèm theo mỗi người dân được “gửi chút quà” một triệu đồng. Có lẽ phương án “họp toàn thể” mà nhà máy đã làm trước đó tại xã Bình Phước (nơi đặt nhà máy) đã bất thành khiến họ phải “thay đổi chiến thuật” chăng?

Việc đi gõ cửa từng nhà, theo dạng “bẻ đũa từng chiếc” để xin chữ ký sau khi “gửi chút quà” như thế, thể hiện sự thiếu minh bạch trong việc xử lý câu chuyện ô nhiễm môi trường. Liệu những chữ ký được gọi là “đồng thuận” của người dân mà đại diện nhà máy này thu thập được có mang đầy đủ tính pháp lý để nhà máy dựa vào đó tiếp tục thi công không?

Hôm tháng 5/2022, nhà máy cũng đã một lần tổ chức cuộc đối thoại giữa người dân xã Bình Phước với lãnh đạo VNT-19 cũng như đại diện một số bộ ngành liên quan nhưng cuối cùng các bên không tìm được tiếng nói chung khiến việc triển khai đường ống xả thải vẫn đang bế tắc.

Nhà máy bột giấy VNT-19 được xây dựng trên diện tích 117hecta tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), công suất 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng, trở thành nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam.

Được khởi công năm 2011 nhưng suốt 11 năm qua, nhà máy liên tục thay đổi vị trí xả thải, cuối cùng thì họ chọn xả thẳng ra vịnh Việt Thanh cách đó 6km. Cũng cần nói thêm là, sở dĩ dự án kéo dài như thế là vì chủ đầu tư liên tục thay đổi công nghệ để “thân thiện với môi trường” sau khi người dân Bình Phước phản đối kịch liệt.

Nếu dân Bình Phước lo ngại nhà máy gây ô nhiễm tại chỗ thì dân Bình Hải lo ngại việc xả thải ra vịnh Việt Thanh - nơi sinh kế của hàng ngàn người vẫn dựa vào biển hằng ngày.

Thời gian qua, nhà máy đã liên tục thay đổi một số thiết bị hiện đại để không gây ô nhiễm môi trường, như họ đã thuyết trình với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các bộ ngành liên quan.

Người dân chỉ còn biết tin vào cơ quan chuyên môn và những cam kết của nhà máy chứ hoàn toàn không có chuyên môn để quyết định đồng ý hay không. Vì vậy, việc đi lấy chữ ký mới đây của đại diện nhà máy để làm cơ sở cho sự đồng thuận sẽ khó thuyết phục vì tính pháp lý của nó.

Chủ đầu tư sốt vó với 10 ngàn tỉ của mình giậm chân suốt 11 năm qua còn người dân thì lo lắng không biết rồi đây, ống xả thải của nhà máy có xua đuổi tôm cá trong vịnh Việt Thanh đi nơi khác không đây? Cả hai phía đều có những mối lo riêng, song sự đồng thuận cao nhất lúc này có lẽ là làm sao để sự cam kết “không ô nhiễm” kia trở thành hiện thực chứ không phải là đi lấy mấy chữ ký của người dân không hiểu biết gì về chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.