(GD&TĐ) - Nghệ sĩ trẻ đánh đu lên tượng đài lịch sử; Học sinh, sinh viên ngồi lên lòng tượng danh nhân, di tích để chụp ảnh; Di tích lịch sử bị bôi bẩn, viết, ký để lưu lại dấu ấn… Những hình ảnh, hiện tượng này đã không còn xa lạ, thể hiện sự đối xử “thô bạo” với di tích lịch sử của một bộ phận giới trẻ có tri thức hiện nay.Trần Trung Hiếu.
Hình ảnh phản cảm của nghệ sĩ hài Hiệp “gà” |
Vô tình hay thiếu ý thức?
Hiện nay việc giáo dục ý thức của người dân đặc biệt là giới trẻ trong bảo vệ, ứng xử đối với di sản, di tích văn hóa vẫn chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên. Chính vì vậy, những cảnh tượng không đẹp mắt khi ứng xử với di sản vẫn diễn ra hàng ngày. Đặc biệt hơn, cách ứng xử đó lại diễn ra đối với một bộ phận có tri thức của xã hội là các sinh viên, học sinh, nghệ sĩ. Và họ thản nhiên coi đây như những niềm vui, chiến tích để khoe hình ảnh trên Blog, Facebook của cá nhân hoặc trên các trang mạng xã hội mà chẳng hề coi đây là những hành động vi phạm pháp luật.
Trong khi ngành văn hóa ra rả tuyên truyền về bảo vệ di sản thì hàng năm không biết bao nhiêu tượng phật vẫn chịu cảnh bị ký tên, khắc chữ lên mình, thậm chí là nhét tiền lẻ vào tay, tai, miệng... Vào mùa thi cảnh tượng học sinh, sinh viên tràn đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu may và không quên “cố” xoa bằng được đầu cụ rùa. Thậm chí, nhiều thanh niên còn ngồi, hoặc đứng lên “cụ” để chụp ảnh. Hay gần đây nhất, hình ảnh danh hài trẻ (Q.H) đu người lên tượng đài vô cùng phản cảm và gây bức xúc dư luận nhưng vẫn thản nhiên coi đó là hành động vô tình. Với những hình ảnh ứng xử thiếu văn hóa được tung lên mạng, các trang mạng xã hội cũng gần như nổi sóng bất bình. Nhiều người đã không kiềm chế được và thốt lên “Những người trẻ tuổi kia có tri thức, học hành đầy đủ, vì sao lại hành động “vô văn hóa” đến thế?” hay “Thật đáng xấu hổ đối với hành động của những người có học...”.
Rõ ràng nếu cứ nhìn vào những hành động ứng xử thiếu “văn hóa” của giới trẻ với các di tích lịch sử, di sản văn hóa... như thời gian vừa qua không khỏi lo ngại về ý thức văn hóa đang xuống cấp trầm trọng. Và vấn đề giáo dục ý thức của người dân đối với di sản, đặc biệt là giới trẻ cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Những hành vi ứng xử thiếu tôn trọng với di tích lịch sử, văn hóa cần được xử lý đủ mạnh tay để răn đe.
Xử phạt chưa đủ “rắn”
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khi đề cập đến về vấn đề này đã cho rằng: Những hành động ứng xử thiếu ý thức với văn hóa ấy biểu hiện hai mặt. Một là bản thân những người làm như thế là những người thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa. Thiếu hiểu biết ở cả về tri thức văn hóa, thiếu hiểu biết cả về luật bởi các điều khoản về luật đã được quy định rất rõ. Tuy nhiên, điều thứ hai có lẽ bởi chúng ta chưa phổ biến sâu sắc, rộng khắp và liên tục về quy định của luật pháp liên quan đến Luật Di sản văn hóa cho cộng đồng một cách thường xuyên và liên tục. Chúng ta chưa thực hiện được cơ chế xử phạt đủ “rắn” để công chúng không dám mắc phải.
Cũng theo ông Bài, ở nước ngoài, nếu bắt được những hành vi vi phạm văn hóa như tại Việt Nam thì cơ quan chức năng sẽ lập biên bản và xử phạt ngay. Còn ở ta, dù cơ chế xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa chúng ta đã có quy định rồi nhưng chưa hề thực hiện trong đời sống.
Tuy vậy ông Bài cũng cho rằng, ở nước ta, khi trình độ dân trí còn chưa cao, nhận thức đối với di sản của nhiều người còn kém thì để hiện tượng này chấm dứt được ngay không phải chỉ ngày một, ngày hai. Và việc xử phạt chỉ là biện pháp tức thời, còn lâu dài, chúng ta phải giáo dục, nâng cao ý thức người dân trong ứng xử với di tích, di sản.
Quả thật, con số xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa hiện nay của chúng ta vẫn còn “khiêm tốn”. Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không thực hiện được cơ chế xử phạt phải chăng xuất phát từ quan niệm ứng xử với những hoạt động văn hóa bằng những hành động văn hóa nên hầu như không hề xử phạt được. Mặt khác, dù hoạt động giáo dục di sản có nằm trong danh mục hoạt động của ngành di sản song chúng ta vẫn chỉ làm theo đợt. Nhân dịp gì chứ không thường xuyên, liên tục theo một chương trình kế hoạch chuẩn.
Ý thức văn hóa ở đâu? |
Bảo vệ di sản phải bắt đầu từ ý thức
Trước thực tế ứng xử với di tích lịch sử, di sản văn hóa như hiện nay chúng ta cần xác định, bảo vệ di sản văn hóa là nghĩa vụ toàn dân, của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước chứ không chỉ của ngành văn hóa. Và cũng cần sự vào cuộc của nhiều ngành. Ví như làm du lịch, trước khi dẫn khách vào di tích ngoài giới thiệu về lích sử, cảnh quan di tích các hướng dẫn viên cũng phải phổ biến những nội quy quy định trong khu di tích. Điều đó không chỉ giúp nhắc nhở ý thức bảo vệ di sản tại nơi du khách tham quan mà còn góp phần giáo dục và nâng cao ý thức cho du khách khi tham quan di sản ở bất kỳ nơi nào.
Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa cũng đề xuất, để nâng cao ý thức bảo tồn di sản với công chúng ở diện rộng và hiệu quả thì bên cạnh việc đưa giáo dục bảo vệ di sản vào trường học cần xây dựng các chương trình giáo dục di sản trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí...
Giáo dục di sản văn hóa cũng chính là thực hiện một bước xã hội hóa, đưa di sản văn hóa đến cộng đồng, làm cho cộng đồng hiểu di sản văn hóa, tạo điều kiện để cộng đồng hiểu và yêu di sản, từ hiểu và yêu di sản công chúng mới có thể cùng tự nguyện đóng góp và tham gia bảo vệ.
Việc giáo dục và hình thành ý thức bảo vệ di sản cho thế hệ trẻ từ sớm là việc không thể bỏ qua. Giới trẻ hôm nay là chủ nhân của di sản ngày mai. Càng sớm có ý thức, kiến thức thì việc bảo vệ di sản sẽ trở thành bản năng, nhu cầu mỗi người thay vì những cảnh báo, xử lý vi phạm di sản.
Bảo vệ di sản thực sự hiệu quả khi có sự vào cuộc chung tay của cả cộng đồng và bắt đầu từ ý thức mỗi người. Nếu di sản chỉ được bảo vệ bởi một ngành hay đơn vị đơn lẻ nào đó thì khó có thể làm tốt và làm tròn nhiệm vụ.
Khi có các dự án đầu tư tu bổ di tích thì cơ quan quản lý đối với di sản văn hóa nên xã hội hóa bằng cách trao đổi với nhân dân, giải thích cho người dân hiểu. Đến khi triển khai dự án ấy phải họp dân, cho người dân biết dự án ấy, tu bổ gì, tôn tạo ra sao, mục đích là gì, cái gì thay thế, cái gì giữ lại, vì sao... Mỗi lần như thế cũng là một lần giáo dục cho nhân dân. Khi những người dân ở khu di tích hiểu điều đó, họ sẽ tự bảo vệ, tự có ý thức nhắc nhở đối với những trường hợp vô ý thức cố tình vi phạm. Mỗi người dân là một người bảo vệ di tích chứ không cần phải sự xuất hiện của cơ quan chức năng hay ban quản lý... PGS. TS Đặng Văn Bài |
Ngọc Hà