Kỳ họp lịch sử

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, là kỳ họp lịch sử quyết định những vấn đề lịch sử trong giai đoạn mới...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 52 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Ngoài ra, còn có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Khai mạc sớm hơn nửa tháng so với thông lệ và có thời gian làm việc dài nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Kỳ họp thứ 9 được coi là kỳ họp lịch sử nhằm thể chế hóa, triển khai ngay Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11.

Qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các định hướng chiến lược về cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp lại đơn vị hành chính, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp gắn với kiểm soát quyền lực, góp phần quan trọng tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với khối lượng công việc lớn; các nội dung, nhóm nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp đều là những vấn đề hệ trọng, không chỉ mang ý nghĩa trong hiện tại, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai, nhất là những nội dung được ưu tiên xem xét, quyết định để phục vụ công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là những điều kiện cần thiết để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cho nên việc chuẩn bị cho kỳ họp được tiến hành hết sức kỹ lưỡng, khẩn trương. Các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn, làm việc ngày đêm đúng với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” - ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra các nội dung bởi khối lượng công việc trình Quốc hội tại kỳ họp này rất lớn, nhiều việc rất khó, rất khẩn trương, thời gian chuẩn bị rất ngắn trong khi yêu cầu về chất lượng rất cao.

Thế nhưng, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ, đặt tiến độ công việc và chất lượng các nội dung trình Quốc hội lên trên hết, trước hết. Đến nay, các nội dung trình Quốc hội đều bảo đảm chất lượng, đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra - ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh.

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ Chín là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Bởi vậy, các đại biểu Quốc hội cần tập trung cao độ, tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, thảo luận sâu sắc, quyết định sáng suốt; cùng với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới...

Với khối lượng công việc cũng như các nội dung, nhóm nội dung được thảo luận, xem xét, quyết định, Kỳ họp thứ Chín sẽ là dấu mốc lớn trong tiến trình cải cách thể chế của đất nước, có tác động sâu rộng đến toàn bộ hệ thống chính trị và đời sống nhân dân trong nhiều năm tới. Và với tinh thần kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Đảng, đồng hành với Chính phủ, đổi mới, gần dân, vì dân, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng tin tưởng rằng, kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp, nhận được sự quan tâm, đồng thuận, góp ý của cử tri cả nước để Quốc hội có thêm cơ sở hoàn thiện chính sách một cách thực chất, khả thi và đúng với nguyện vọng của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Luật Nhà giáo thể hiện sự trân trọng, coi trọng nghề giáo, góp phần nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội. Ảnh: ITN

Mong chờ Luật Nhà giáo được thông qua

GD&TĐ - Sáng 6/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.