Với quyết định ngừng thực thi vai trò ngoại giao trung gian giữa các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng khác nào đã xác nhận không thể thực hiện được cam kết cũng như tuyên cáo đầy chắc chắn là có khả năng nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, thậm chí lại còn trong có một ngày.
Thể hiện sự bất lực, thú nhận không thành công ở chủ định, hành động cầm quyền này thật sự không dễ dàng gì và chắc chắn không thể không cay đắng chút nào đối với ông Trump. Biểu lộ khả năng, thi triển quyền lực và đạt được thành quả cụ thể là những gì được ông Trump coi như cốt lõi của phương châm hành động trong cầm quyền.
Nhưng bây giờ cầu không được, ước cũng chẳng thấy sau khi đã nỗ lực và áp dụng cách tiếp cận khác biệt cơ bản so với người tiền nhiệm mà ngay đến cả ngừng chiến thôi chứ chưa phải chấm dứt cuộc chiến vẫn chưa đạt được, đồng thời vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể đạt được.
Về cơ bản, ông Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Mỹ và Nga đã đạt được sự nhất trí với nhau về định hướng và hình hài của đề xuất giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh nhưng đề xuất của họ không được EU và Ukraine chấp nhận.
EU và Ukraine đưa ra một kiểu “phản đề xuất” nhưng không được Nga chấp nhận. Mấu chốt của tình trạng bế tắc này và nguyên cớ chính khiến ông Trump cho tới nay vẫn chưa thể thành công với sứ mệnh ngoại giao trung gian là bên này không chấp nhận hoặc không chấp nhận đầy đủ những điều kiện tiên quyết của bên kia.
Trong đó, đặc biệt là những điều kiện tiên quyết liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ, an ninh sau cuộc chiến, chuyện triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine hay đến khối tài sản của Nga ở nước ngoài đang bị các đồng minh của Ukraine phong toả, sử dụng.
Mấu chốt của tình trạng bế tắc giải pháp khiến ông Trump thất vọng và nản chí còn là không chỉ có Nga không tin tưởng Ukraine, EU, NATO, ngược lại mà còn chính Mỹ cũng như cá nhân ông Trump chưa được phía Nga thật sự tin cậy. Điều này khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cùng với Ukraine quan ngại sâu sắc bởi thường dễ thay đổi quan điểm và hành động ngược lại.
Phía Mỹ xem ra thức thời khi ngừng đảm trách vai trò ngoại giao trung gian nói trên. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì giải pháp vẫn xa vời. Phía Mỹ nhận ra rằng phải tìm lối đi và cách tiếp cận khác cho dù hiện chưa biết phải đi tiếp theo lối nào hay cách tiếp cận khác là gì.
Sự can dự của Mỹ đã khuấy động chuyện tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine trong thời gian vừa qua. Mỹ ngừng thì chuyện này sẽ lắng xuống bởi Nga và EU, Ukraine không tự đi vào đồng thời chưa sẵn sàng đàm phán hoà bình với nhau. Chiến sự sẽ còn tiếp diễn và bao giờ cuộc chiến này đến hồi kết cũng như sẽ kết thúc như thế nào vẫn là câu hỏi hiện chưa thể có được câu trả lời.
Nhưng Mỹ ngừng hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ bỏ. Ông Trump và cộng sự vẫn duy trì dư địa cho việc lại can dự đồng thời lại đóng vai trò vào thời điểm nào đấy trong tương lai.
Bằng chứng là Mỹ và Ukraine đã ký kết thoả thuận về cùng sử dụng nguồn khoáng sản ở Ukraine và chính quyền mới ở Mỹ đã lần đầu tiên viện trợ quân sự cho Ukraine. Bằng chứng là Mỹ vẫn duy trì các biện pháp chính sách trừng phạt Nga; vẫn duy trì những con chủ bài để gia tăng sức ép đối với Nga và dồn ép Ukraine, làm khó EU và NATO.