Thất bại của vũ khí Mỹ và Israel
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Israel hôm 5 tháng 5 cho biết, hệ thống phòng thủ Arrow của Israel và Tổ hợp Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đã khai hỏa để đối phó tên lửa đạn đạo Houthi trong cuộc tập kích trước đó một ngày, nhưng đều bắn trượt mục tiêu.
Tên lửa lao xuống và gây ra vụ nổ trong sân bay quốc tế Ben Gurion, cơ sở hàng không chủ chốt và đông đúc nhất của Israel, khiến 8 người phải nhập viện. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không bình luận về thông tin hệ thống Arrow và THAAD trượt mục tiêu, nhưng thừa nhận thất bại trong nỗ lực đánh chặn tên lửa Houthi.
Người phát ngôn Yahya Saree của lực lượng dân quân Houthi ở Yemen, cho biết họ đã phóng "tên lửa đạn đạo siêu vượt âm. Các hệ thống phòng thủ Mỹ và Israel đã không thể chặn tên lửa nhằm vào sân bay Ben Gurion", ông cho hay.
Brad Bowman, giám đốc tại viện nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) có trụ sở tại Mỹ, cho biết: "Đây là cuộc tấn công mà đáng lẽ hệ thống Arrow và THAAD phải đánh chặn được. Bảo vệ sân bay quốc tế Ben Gurion là một trong những ưu tiên hàng đầu của lực lượng phòng không Israel".
Hệ thống Arrow là lá chắn tầm xa nhất trong lưới phòng thủ đa tầng của Israel, được nước này và Mỹ hợp tác phát triển từ giữa thập niên 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran. Biến thể Arrow-3 hiện đại nhất có tầm bắn 2.400 km và hạ được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km, ngoài tầng khí quyển, trước khi chúng bắt đầu lao xuống mục tiêu và trở nên khó đánh chặn hơn.
Cuối năm 2024, Mỹ triển khai một tổ hợp THAAD cùng kíp vận hành tới Israel để hỗ trợ đồng minh đối phó Houthi. Vũ khí này được đánh giá là một trong những hệ thống đánh chặn tốt nhất thế giới, có khả năng chặn tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa ở giai đoạn cuối. Đạn đánh chặn của THAAD có tầm bắn 200 km và trần bay 150 km.
Lực lượng IDF cũng cho biết: "Điều tra sơ bộ cho thấy không có trục trặc nào đối với quy trình phát hiện, hệ thống đánh chặn hay cơ chế báo động của quân đội trong vụ tấn công của Houthi".
Chuyên gia quân sự người Kuwait là Faisal Al-Hajri, cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hạn chế của radar trong mạng lưới phòng thủ Israel.
Những hệ thống phòng thủ Israel được thiết kế để ứng phó mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) lớn như máy bay và sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đối đầu với tên lửa đạn đạo.
Al-Hajiri, nói: "Tên lửa đạn đạo có RCS nhỏ hơn nên tín hiệu phản xạ thường yếu hoặc thậm chí không có. Chúng cũng sở hữu tốc độ rất cao, khiến các tổ hợp tại Israel gặp khó khăn khi đánh chặn, dù nhà sản xuất tuyên bố những hệ thống như Arrow có khả năng bắn hạ loại mục tiêu này".
Chuyên gia Amir Bar Shalo thuộc đài phát thanh Galatz do Bộ Quốc phòng Israel điều hành, thừa nhận tên lửa Houthi đã thể hiện độ chính xác cao cũng như năng lực xuyên phá lưới phòng không nước này.
Amir Bar Shalo, nói: "Nó rất chính xác, đặc biệt là khi được khai hỏa từ khoảng cách hơn 2.000 km. Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa này, kiểm tra xem đây là sai sót bản thân hay đang đối mặt với nguy cơ mới".
Chiến thuật mới
Kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát vào tháng 10 năm 2023, lực lượng Houthi thường xuyên phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Israel nhằm thể hiện ủng hộ với người dân Palestine tại Gaza.
Lực lượng IDF tuyên bố đã đánh chặn phần lớn tên lửa tấn công của Houthi, song chưa từng đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh Palestine-2.
Houthi tuyên bố tên lửa Palestine-2 có tốc độ tối đa 19.755 km/h, gấp 16 lần âm thanh, sử dụng nhiên liệu rắn với thiết kế hai tầng đẩy, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2.150 km.
Mohammed Ali al-Houthi, quan chức cấp cao của Houthi tuyên bố: "Các hệ thống phòng thủ Arrow không thể bảo vệ Israel khỏi tên lửa Palestine-2. Năng lực quân sự của chúng tôi không ngừng phát triển, trong khi lưới phòng thủ của Mỹ, châu Âu và Israel liên tục thất bại".
Cây bút Ron Ben-Yishai viết trên Ynet, tờ báo hàng đầu tại Israel: "Một tên lửa đạn đạo đơn lẻ đã xuyên thủng lưới phòng thủ của Israel, cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng với lưới lửa đánh chặn nhiều tầng hiện nay của IDF".
Theo giới chuyên gia, có hai nguyên nhân khiến tên lửa đạn đạo Houthi vượt qua được hệ thống phòng thủ của Israel:
Lực lượng Houthi có thể đã phóng tên lửa theo quỹ đạo phẳng và trần bay thấp, thay vì quỹ đạo hình parabol thông thường của tên lửa đạn đạo. Quả đạn dường như cũng xuất phát từ hướng mà quân đội Israel và đồng minh không ngờ tới.
Khi phóng theo phương pháp này có thể khiến các hệ thống cảnh báo tầm xa của Israel, cũng như những loại được Mỹ triển khai để hỗ trợ đồng minh, khó hoặc không thể phát hiện mục tiêu.
Quân đội Israel vì vậy không có đủ thời gian để triển khai phương án đánh chặn hiệu quả nhất.
Houthi cũng có thể được chuyển giao công nghệ sản xuất đầu đạn có khả năng cơ động cao do Iran phát triển. Loại đầu đạn này thường tách khỏi tên lửa ở giai đoạn cuối, thay đổi đường bay liên tục để gây khó có phòng không đối phương rồi tấn công mục tiêu chỉ định.
Chuyên gia Ben-Yishai cảnh báo: "Khi kết hợp với tốc độ siêu vượt âm trong quá trình hồi quyển, đầu đạn có khả năng thay đổi quỹ đạo sẽ là thách thức lớn với mọi hệ thống phòng thủ không chỉ của Israel mà cả những vũ khí đánh chặn do Mỹ sản xuất".