Hầu hết cha mẹ đều mong con mình trở thành người có trách nhiệm, độc lập, sẵn sàng làm việc nhà, chơi với nhóm bạn tốt… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thanh thiếu niên không có ý thức, ngó lơ nhắn nhủ của cha mẹ. Vậy nên, để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của con, điều quan trọng là phải cân bằng giữa việc hướng dẫn và cho phép trẻ có đủ tự do.
Ra quyết định trước thời hạn
Phụ huynh có thể cho trẻ biết rằng, cha mẹ sẽ trao nhiều quyền tự do hơn khi con chứng minh được việc có thể đưa ra quyết định đúng đắn, chẳng hạn như về đúng giờ “giới nghiêm” hoặc đưa ra quyết định phù hợp với bạn bè. Đối với những lựa chọn đó, một cách để giúp trẻ trong những khoảnh khắc khi cha mẹ không ở bên con là động não tìm giải pháp trước. Cho dù con đi chơi với bạn bè hay ở nhà một mình vào buổi tối, cha mẹ hãy hỏi trẻ cách giải quyết một số vấn đề nhất định.
Ví dụ, phụ huynh hãy hỏi: “Con sẽ làm gì nếu bạn bè đưa cho con một cốc bia?” hoặc “Con sẽ làm gì nếu có người gõ cửa và nói rằng anh ta là thợ sửa chữa cần vào?”. Cha mẹ hãy nói về thực tế là đôi khi tất cả chúng ta đều mắc lỗi.
Việc thừa nhận lỗi lầm đó thể hiện trách nhiệm. Hãy nói với trẻ rằng, nếu con cố gắng che giấu bằng cách nói dối, cha mẹ sẽ biết con chưa sẵn sàng để đảm đương thêm trách nhiệm nào nữa. Phụ huynh đồng thời cần nhắc rằng, con luôn có thể chia sẻ với cha mẹ để giải quyết bất cứ điều gì.
Lên lịch trình với con
Một bộ phận lớn thanh thiếu niên có rất nhiều việc phải làm và cần sự hỗ trợ về vấn đề quản lý thời gian. Do đó, cha mẹ và con hãy ngồi với nhau để nói về thời gian con nên dành cho việc nhà, bài tập về nhà và/hoặc các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, thảo luận về cách con có thể lập một lịch trình phù hợp nhất với mình. Trong khi một thiếu niên có thể muốn làm bài tập về nhà ngay sau giờ học, thì một thiếu niên khác có thể muốn nghỉ ngơi một giờ trước khi bắt tay vào làm việc trở lại. Cha mẹ và con có thể cân nhắc tới việc sử dụng lịch trực tuyến hoặc ứng dụng để nhắc nhở.
Nếu con quên làm việc nhà hoặc phải thức khuya để làm bài tập về nhà, cha mẹ hãy coi tình huống này là cơ hội để mọi người cùng nhau giải quyết vấn đề. Giúp con tạo ra một lịch trình phù hợp cũng là cách dạy cho trẻ các kỹ năng quản lý thời gian cần thiết để phát triển trong tương lai.
Tham gia hoạt động tình nguyện
Cha mẹ nên dạy con cách cống hiến cho cộng đồng thông qua việc tham gia hoạt động tình nguyện. Làm việc tại một trại cứu hộ động vật, tham gia vào các nỗ lực dọn dẹp cộng đồng hoặc gây quỹ cho một mục đích tốt có thể giúp trẻ cảm nhận được trách nhiệm. Việc cống hiến cho cộng đồng sẽ giúp trẻ thấy rằng, chúng có khả năng tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.

Các kỹ năng sống thực tế
Phụ huynh có thể dễ dàng cho rằng, con mình đang dần trở nên độc lập vì chúng chơi xuất sắc trên sân bóng đá hoặc hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn. Tuy nhiên, chỉ vì con học tốt ở một số lĩnh vực không có nghĩa là trẻ đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm trong thế giới thực. Do đó, phụ huynh hãy đảm bảo rằng, mình dành thời gian để dạy con các kỹ năng sống thực tế, chẳng hạn như cách giặt quần áo và nấu ăn. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo rằng, con biết cách quản lý tiền bạc và giao tiếp hiệu quả với người khác.
Mặc dù trẻ có thể học được một số kỹ năng này chỉ bằng cách quan sát cha mẹ, nhưng chúng sẽ không học được mọi thứ thông qua quan sát. Vì vậy, phụ huynh hãy chủ động dạy con cách quản lý nhiều khía cạnh, cũng như cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thực tế.
Rõ ràng về hậu quả
Sẽ có lúc trẻ mắc lỗi hoặc thậm chí là cố tình phá vỡ các quy tắc cha mẹ đặt ra. Trong tình huống này, việc cha mẹ đưa ra hậu quả hợp lý, như mất một số đặc quyền nào đó, có thể là những “bậc thầy” hiệu quả.
Cha mẹ cần kiềm chế sự thôi thúc đưa ra lời bào chữa hoặc cứu con khỏi những sai lầm. Đôi khi, hậu quả tự nhiên có thể đóng vai trò là lời nhắc nhở tốt nhất để trẻ đưa ra lựa chọn tốt hơn vào lần tới. Cuối cùng, việc truyền đạt những bài học và giá trị này cho trẻ có thể giúp chúng trở thành người lớn độc lập và có trách nhiệm hơn.

Làm gì khi trẻ “nổi loạn”?
Trong trường hợp trẻ hành động bất chấp, nổi loạn hoặc thu mình, thì việc cha mẹ cảm thấy tức giận, lo lắng, buồn bã, tổn thương, thất vọng hoặc có nhiều cảm xúc phức tạp là điều bình thường. Theo nhiều cách, việc nuôi dạy trẻ nhỏ thường dễ dàng hơn nhiều vì cha mẹ có thể kiểm soát mọi thứ tốt hơn. Tuy nhiên, có con ở tuổi thiếu niên cha mẹ thường nhận ra rằng, họ có rất ít quyền kiểm soát đối với hành vi của con mình.
Việc chứng kiến trẻ đưa ra những quyết định tồi tệ có thể khiến cha mẹ phát điên. Trẻ có thể từ chối đi học, hoặc bị trầm cảm nhưng không chịu uống thuốc hoặc gặp bác sĩ trị liệu. Thực tế, tuổi thiếu niên là giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, được đặc trưng bởi những thay đổi tâm trạng dữ dội và mong muốn độc lập - điều mà bất kỳ cha mẹ nào cũng khó có thể xử lý được.
Thế nên, người lớn cần thu thập thông tin bằng cách liệt kê các hành vi của con. Cố gắng chính xác nhất có thể. Hãy tự hỏi bản thân những câu như: Có những loại hành vi nào ở trẻ là vấn đề? Bắt đầu từ khi nào? Có sự kiện nào thúc đẩy không? Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi nào? Chúng ta đã phản ứng với những hành vi đó như thế nào? Những tình huống hoặc cảm xúc nào có vẻ như kích hoạt những hành vi có vấn đề?
Hãy trung thực nhất có thể. Mục đích của hoạt động này là để có được bức tranh rõ ràng, hợp lý về tình huống và xác định bất kỳ mô hình hoặc nguyên nhân nào mà cha mẹ có thể tìm thấy đối với hành vi của con mình. Điều này cũng có thể hữu ích trong trường hợp cha mẹ tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc nhà trị liệu.
Một yếu tố quan trọng là phụ huynh không nên đoán hoặc cho rằng mình biết lý do tại sao con lại hành động như vậy. Hành vi của con chỉ là triệu chứng của một vấn đề sâu xa hơn và thường để che giấu cảm giác đau đớn, sợ hãi, chán nản hoặc cô đơn. Nói cách khác, có một lý do khiến chúng hành động theo cách này và nếu thực sự muốn ngăn chặn hành vi tồi tệ đó, thì cha mẹ sẽ phải khám phá và giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Việc cho rằng con chỉ là “một đứa trẻ hư” có thể khiến trẻ cảm thấy bị hiểu lầm hoặc thậm chí cô đơn hơn với những cảm xúc khó khăn mà chúng đang phải đối mặt. Điều này càng khiến trẻ có thêm nhiều hành vi xấu hơn.
Lý do có thể khiến trẻ hành động mất kiểm soát thường là bị bắt nạt. Những thanh thiếu niên bị bắt nạt, dù là trực tiếp ở trường hay trực tuyến qua mạng xã hội, sẽ thể hiện sự tức giận, thất vọng và bất lực của mình bằng cách cư xử không đúng mực ở nhà hoặc từ chối đến trường. Ngoài ra, khi trải qua điều gì đó khiến chúng cảm thấy bất lực hoặc tuyệt vọng, trẻ thường không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình theo hướng tích cực.
Một khía cạnh mà cha mẹ cần chú ý là tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ. Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Nếu không được điều trị, các tình trạng sức khỏe tâm thần chắc chắn sẽ gây ra hành vi có vấn đề.
Nguyên nhân khác là trẻ gặp vấn đề với việc học. Khi một thiếu niên không thể thành công trong lớp mặc dù đã cố gắng hết sức do tình trạng khuyết tật học tập không được chẩn đoán hoặc không được điều trị, điều này cũng có thể khiến trẻ cảm thấy tức giận và từ chối đến trường. Một số nguyên nhân khác là trẻ gặp áp lực, hoặc muốn chấp nhận rủi ro để khám phá, hay có xung đột trong gia đình.
Cụ thể, thiếu niên phải đối mặt với áp lực từ bạn bè để hòa nhập, áp lực học tập từ cha mẹ và áp lực văn hóa để thành công ở trường, thể thao cũng như các hoạt động ngoại khóa. Hoặc, thanh thiếu niên đang cố gắng tìm ra bản thân mình. Điều này có thể khiến trẻ thử thách giới hạn của gia đình, văn hóa và cá nhân. Ngoài ra, xung đột trong gia đình cũng có thể gây ra sự tức giận và thất vọng khiến thiếu niên muốn nổi loạn hoặc nổi giận.
Thanh thiếu niên có thể tỏ ra thô lỗ, thiếu tôn trọng và không chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Nếu nhận ra rằng, việc con từ chối trách nhiệm là biểu hiện của sự đau khổ, thì việc cha mẹ tiếp cận trẻ bằng sự đồng cảm, thấu hiểu sẽ trở nên dễ dàng hơn.