Đi chợ thời công nghệ

GD&TĐ - Cùng với xu hướng xã hội, thời đại công nghệ số đã xâm nhập vào tận đời sống thường nhật và người dân nhanh chóng ứng dụng nó vào rất nhiều hoạt động. Đặc biệt, nhiều chị em nội trợ đã tranh thủ “đi chợ”, mua sắm trên mạng và chỉ vài tiếng sau đã nhận được sản phẩm...

Xu hướng đi chợ trên mạng ngày càng phát triển (ảnh Internet)
Xu hướng đi chợ trên mạng ngày càng phát triển (ảnh Internet)

Có nhiều sự lựa chọn

Một thực tế không thể chối cãi đó là sự phát triển của công nghệ số đã và đang thay đổi hành vi, xu hướng tiêu dùng của người dân, ngay từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống. Điều thấy rõ nhất chính là hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa thông qua những cái nhấp chuột. Giới văn phòng, những người bận rộn chính là những “khách hàng” thân thiết của “chợ trên mạng” hiện nay.

“Vân hả, chị xem bơ sáp Đà Lạt trên trang cá nhân của em rồi (trang cá nhân - facebook), lấy giúp chị một ký và một ký nấm mối nhé. Chiều giao cho chị tại cơ quan chị nha, địa chỉ là…”, giọng chị Lan Anh – nhân viên văn phòng làm việc tại một văn phòng có trụ sở ở đường Điện Biên Phủ (quận 10, TPHCM) vang lên qua điện thoại.

Không riêng chị Lan Anh, đây cũng là xu hướng chung của những chị em nội trợ thời công nghệ, khi mà các tiện ích giao dịch trực tuyến được phổ biến rộng khắp. Thay vì đến tận nơi chọn từng mớ rau, con cá, miếng thịt… như trước đây, nay đã có dịch vụ “đi chợ giùm bạn”, “đặt hàng giúp bạn”, “đặt tiệc tại nhà” phong phú về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Thời gian giao hàng chỉ từ 1 - 2 giờ (nội thành), hoặc 1 - 2 ngày, tùy nơi. Người mua có thêm nhiều sự lựa chọn cho bản thân, gia đình. 

Khảo sát gần đây của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, người tiêu dùng trong đó thuộc thế hệ 8X, 9X, 2000 thường xuyên tham gia mua bán trực tuyến trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…), bởi đây là một thị trường có tính tương tác cao, thuận tiện cho kết nối, giao thương. Hơn nữa, đây cũng được đánh giá là “mảnh đất kinh doanh” màu mỡ, với các chính sách đổi - trả hàng, ưu đãi linh hoạt.

Chị Lê Thị Ngọc Điệp, ngụ đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), chia sẻ: “Lúc trước, mình cũng như mọi người, hay trực tiếp ra chợ mua đồ. Tuy nhiên, khoảng 1 năm nay, do công việc nhiều, bận rộn với công việc văn phòng nên mình không có nhiều thời gian rảnh để ghé chợ mua đồ. Mình đành chọn hình thức đi chợ trực tuyến.

Toàn bộ quần áo của mình và gia đình, thức ăn các loại đều được đặt trực tuyến. Mình chỉ cần kiểm tra trên mạng, thấy ưng ý thì đặt mua. Đơn vị bán hàng cũng cam kết đổi trả, hoàn tiền nếu hàng kém chất lượng, hàng mặc không vừa… Vì thế, mình cũng thấy yên tâm”. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hiệp (quận 9), kỹ sư điện thường đi làm theo công trình, cuối tuần mới có dịp về nhà nhận định việc giao hàng nhanh kèm ưu đãi, bảo hành, có hóa đơn đỏ… chính là ưu điểm để thu hút người mua móc hầu bao.

Hàng hóa cung ứng khá đa dạng, từ thức ăn nhanh, đến quần áo thời trang, hoa kiểng, đặc sản các loại ở các vùng miền (bơ Tây Nguyên, thịt heo gác bếp của các tỉnh phía Bắc…), thậm chí cho đến việc đãi tiệc (thôi nôi, đám cưới, đám giỗ…) cũng nhờ đến các dịch vụ sẵn có trên mạng. Người tiêu dùng sẽ được phục vụ từ A đến Z, trong đó có cam kết bao đổi nếu sản phẩm kém chất lượng hoặc người mua không hài lòng. Phần lớn các trường hợp mua bán đều thực hiện theo hình thức giao hàng - thu tiền hộ (ship cod). 

Giữ uy tín, sống khỏe

Khảo sát gần đây của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, người tiêu dùng trong đó thuộc thế hệ 8X, 9X, 2000 thường xuyên tham gia mua bán trực tuyến trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…), bởi đây là một thị trường có tính tương tác cao, thuận tiện cho kết nối, giao thương. Hơn nữa, đây cũng được đánh giá là “mảnh đất kinh doanh” màu mỡ, với các chính sách đổi - trả hàng, ưu đãi linh hoạt.

“Trước đây, mình phải lọ mọ đến tận nơi kiểm tra hàng, nhưng nay nhờ internet, mọi thứ đã đơn giản hơn. Cách nay vài ngày mình đặt mua lan rừng từ tỉnh Đồng Nai. Người bán livestream sản phẩm để mình chọn.Tuy nhiên, đôi lúc cũng mua trúng hàng lỗi, bị thối rữa do khâu vận chuyển không đảm bảo. Sau đó, mình phản hồi và được chủ hàng bồi thường”, anh Nguyễn Văn Trung, ngụ đường Dương Thị Mười (quận 12), kể. 

Hiện nay, đang có nhiều cuộc chạy đua về thương mại điện tử giữa các thương hiệu quen thuộc, như Saigon Co.op, Big C, Adayroi! (được Vingroup rót vốn), Nguyễn Kim… Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ mất thị phần và bị đánh bật. Điển hình, nhiều điểm kinh doanh nhỏ lẻ thông qua mạng xã hội vẫn sống khá thoải mái, vì người kinh doanh biết giữ uy tín để phục vụ khách hàng.

Anh Mai Phát Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty Trái cây T.X (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12), nhận xét: “Người tiêu dùng ngày càng thông minh. họ có nhiều kênh tham chiếu để dò giá, chất lượng sản phẩm của một doanh nghiệp hoặc điểm bán. Họ chỉ mua sản phẩm ở nơi đủ tin cậy. Nên nếu ai đó có tư tưởng làm ăn chụp giật để kiếm lời nhanh chóng, chắc chắn sẽ thất bại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ