PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Trưởng khoa Phát thanh và Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ với Báo GD&TĐ xung quanh câu chuyện nghề báo trong thời đại công nghệ số.
Ranh giới giữa tận dụng và… lợi dụng công nghệ
Trước sự bùng nổ của công nghệ, các thiết bị, các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet… hỗ trợ tác nghiệp của PV ngày càng hiện đại. Điều này cho thấy lợi ích gì của công nghệ cao đối với PV trong thời đại 4.0?
Trong khi thông tin trên mạng xã hội có một sức hút “ma thuật” đối với công chúng, thì vẫn còn rất nhiều người tìm đến những thông tin chính thống từ báo chí và tin tưởng vào báo chí. Đơn giản đó là vì họ cảm thấy báo chí vẫn còn đáp ứng những nhu cầu của họ.
Trách nhiệm của báo chí không chỉ là có mặt đúng lúc và đưa ra những thông tin chính xác một cách kịp thời đến độc giả. Báo chí giúp công chúng chọn lựa, phân loại đúng đắn nhất những thông tin phục vụ cho mục đích lâu dài của họ từ một đống những nguồn tin riêng biệt, giúp họ trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm.
Các PV của báo chính thống là những người có thể tận dụng nhiều mặt tiện ích của công nghệ cao trong thời đại 4.0. PV có thể cung cấp ngay tại chỗ những thông tin đắt giá cho công chúng mà không cần phải chạy hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km để về tòa soạn, về đài… thực hiện các bước làm báo truyền thống như nhiều năm trước đây. Chính sự phát triển của công nghệ và sự nhanh nhạy của các cơ quan báo chí, đặc biệt là sự năng động, “hợp thời” của bản thân PV, mà công việc làm báo trở nên cực nhanh, cực hiệu quả. Công chúng sẽ còn đón nhận nhiều điều thú vị và bổ ích từ chính công việc làm báo “hợp thời” của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các PV biết nắm bắt, tận dụng công nghệ tối đa.
Ngược lại, công nghệ có khiến PV mang tâm lý ỷ lại, thiếu đi sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân trong tác phẩm báo chí?
Quả nhiên, thành thạo công nghệ hiện đại, song không phải PV nào cũng sử dụng lợi thế này để làm báo chuyên nghiệp. Bạn thử hình dung thế này, một PV chỉ cần có một chiếc laptop, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) kết nối Internet, thì rất có thể ngồi một chỗ sáng tác ra nhiều bài báo khác nhau. Tại sao tôi nói vậy, thực tế là có và không phải là cá biệt một dạng PV lợi dụng công nghệ để thực hiện công việc làm báo mỗi ngày. Không ít người làm báo ngang nhiên sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm báo chí của người khác, rồi biến thành bài của mình một cách tài tình, nhờ sự trợ giúp của công nghệ. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và bản quyền tác giả trắng trợn nhất.
Hiện tượng PV khi viết về một vấn đề nào đó nhưng không đủ thông tin, nên đã tìm kiếm trên mạng hoặc trên sách báo để “đắp thịt” cho bài viết của mình dày dặn và hấp dẫn hơn cũng là một hiện tượng phổ biến.
Ngày nay, công chúng có thể truy cập vào một vài tờ báo mạng điện tử, so sánh các bài viết cùng một chủ đề sẽ thấy nhiều bài chỉ khác nhau về tít, còn nội dung thì tương tự, hoặc giống nguyên xi hoặc thay đổi đôi chỗ. Đây là hành vi vi phạm đạo đức rất tinh vi, tác giả và độc giả cũng khó lòng phát hiện ra.
Ở các nước phát triển, vấn đề này được coi là rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến kiện tụng, gây thiệt hại rất lớn cho tờ báo vi phạm. Cách đây mấy năm, một tờ báo ở Mỹ bị tờ “Vietmercury” kiện, phải bồi thường khá nhiều tiền chỉ vì ăn cắp một câu trong bài viết của họ.
Nguyên nhân của tình trạng sử dụng công nghệ và “tiểu xảo” để “đánh cắp” tác phẩm báo chí của người khác, như vậy, xuất phát từ đâu, thưa bà?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều: Do sự lỏng lẻo trong các qui định luật pháp về bản quyền tác phẩm và bảo vệ bản quyền; do việc sao chép thông tin trên mạng quá dễ dàng; xuất phát từ thực tế thiếu hụt về thông tin, nhân lực của các báo; do sự vô tư của những tác giả có tác phẩm bị sao chép và sự dễ dãi của công chúng khi đón nhận những thông tin bị sao chép...
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, cốt lõi nhất chính là ý thức về bản quyền tác phẩm và tôn trọng bản quyền tác phẩm của mỗi phóng viên, biên tập viên và toàn ban biên tập... Một điều đáng buồn là không ít phóng viên, biên tập viên cho rằng, việc làm trên không vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp. Phần nhiều những người này còn rất trẻ, có thế mạnh về ngoại ngữ và công nghệ thông tin, nhưng không được đào tạo cơ bản về báo chí.
Vai trò quan trọng của công tác đào tạo báo chí
Đạo đức nhà báo trong thời đại công nghiệp 4.0, theo bà, đang đặt ra những vấn đề cấp thiết gì?
Trên thực tế, những trường hợp nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã không còn hiếm gặp và đang có chiều hướng gia tăng. Các hội thảo về vấn đề đạo đức nghề báo trong nước thời gian qua cũng đã chỉ ra những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề báo như:
Hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; thương mại hoá tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản GD; đưa quá nhiều thông tin tiêu cực, vô bổ, không phải là cơ bản, là bản chất lên mặt báo.
Kích thích tâm lý và nhu cầu tầm thường luôn thích cái trái chiều, cái lạ của một bộ phận công chúng, chạy theo lợi nhuận kinh tế và coi đó là mục đích cao nhất.
Tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng, khi đi lấy tin thì hống hách, khệnh khạng; khi viết bài thì sử dụng ngôn ngữ của bề trên, có khi còn thay mặt quan toà kết tội người khác;
Biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí, có được thông tin là đưa, đưa cho hả hê mà không cần biết sau khi thông tin được đăng là sự đổ vỡ của nhiều gia đình, doanh nghiệp, là sự tan vỡ sự nghiệp, danh dự và uy tín của cá nhân con người…
Thế nhưng, kiến thức và đạo đức nghề báo không phải là thứ có thể nắm bắt trọn vẹn, nhanh chóng trong một sớm một chiều. Vậy nên, để góp phần thúc đẩy nhanh quá trình nhận thức và trau dồi đạo đức nghề nghiệp thì việc GD đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo tương lai cần có sự quan tâm đặc biệt của các cơ sở đào tạo báo chí.
Làm thế nào để nội dung GD đạo đức nghề báo luôn đáp ứng được nhu cầu của người học và thực tiễn? Việc đổi mới nội dung GD đạo đức nghề báo để nâng cao chất lượng GD môn học, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo nói chung, SV báo chí nói riêng là yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí.
Vì vậy, cần có những nghiên cứu, giải pháp đổi mới đồng bộ từ phương pháp giảng dạy đến nội dung giảng dạy đạo đức nghề báo - giáo trình, tài liệu, kiến thức giảng dạy… trong các cơ sở đào tạo báo chí. Chất lượng GD phụ thuộc lớn vào nội dung GD, do đó việc đổi mới nội dung GD là điều cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế hiện nay của việc dạy và học - giúp giảng viên dễ dàng truyền tải nội dung kiến thức hữu ích, thực tế hơn tới SV. Đồng thời, giúp SV báo chí có niềm say mê, hứng thú hơn với đạo đức nghề nghiệp qua những nội dung giảng dạy sát thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp có đủ Tâm - Tầm - Tài, tự tin sải bước trên “trường đời” với những thành công trong lao động báo chí.
-Cảm ơn những trao đổi của bà!