ĐH Thái Nguyên: Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng

ĐH Thái Nguyên: Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng

Đào tạo, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu xã hội

ĐH Thái Nguyên đang đào tạo 141 ngành trình độ đại học và 22 ngành trình độ cao đẳng, 24 ngành bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú, 62 ngành trình độ thạc sĩ và 32 ngành trình độ tiến sĩ. Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo (trừ lĩnh vực an ninh - quốc phòng và ngoại giao).

Với nỗ lực triển khai và mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế ở các lĩnh vực đào tạo, hiện ĐH Thái Nguyên có 02 chương trình liên kết quốc tế đào tạo tiến sĩ, 03 chương trình liên kết quốc tế đào tạo thạc sĩ; 06 chương trình liên kết quốc tế đào tạo trình độ đại học và 10 chương trình tiên tiến nhập khẩu từ các trường đại học nước ngoài.

Giai đoạn 2015 - 2020, ĐH Thái Nguyên chú trọng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là các chương trình đào tạo trọng điểm theo định hướng chất lượng cao; xây dựng học liệu điện tử, kết hợp đào tạo trực tuyến (E-learning) với đào tạo truyền thống để nâng cao chất lượng học tập.

ĐH Thái Nguyên: Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng ảnh 1
Trường ĐH Khoa học tư vấn hướng nghiệp cho học sinh có nguyện vọng.

Việc mở ngành đào tạo và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế bước đầu được đánh giá tích cực và được xã hội công nhận. Người học tốt nghiệp đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và đất nước.

Trung bình mỗi năm ĐH Thái Nguyên đào tạo trên 9.000 cử nhân, kỹ sư, cao đẳng và trung cấp nghề hệ chính quy, 1.350 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ, 100-150 lưu học sinh nước ngoài, và hàng chục nghìn người hệ vừa làm vừa học. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước, đặc biệt là vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Chỉ trong giai đoạn 2015 - 2019, ĐH Thái Nguyên thực hiện 56 chương trình KHCN, đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ GD&ĐT; 408 đề tài cấp Đại học, cấp Bộ; 1.525 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế (775 bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus); 22 sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận sở hữu trí tuệ.

Với những kết quả đó, ĐH Thái Nguyên xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng về chỉ số nghiên cứu; xếp hạng 3/35 cơ sở giáo dục đại học về chỉ số nghiên cứu nội lực.

Tư vấn chính sách phát triển các địa phương

Chính sách đào tạo cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số thông qua đón nhận đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và dự bị đại học đã được ĐH Thái Nguyên triển khai hiệu quả. Việc đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng tại nhiều tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu các địa phương về quản lý, thực tiễn sản xuất…

ĐH Thái Nguyên: Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng ảnh 2
Sinh viên ĐH Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm trong các dự án khởi nghiệp

Trong 5 năm qua, ĐH Thái Nguyên đã đào tạo gần 50.000 người tốt nghiệp các trình độ của giáo dục đại học, trong đó các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm 81,3% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học với 35% là người dân tộc thiểu số; số lượng tốt nghiệp thạc sĩ của các tỉnh trong vùng là 5.524 người (chiếm 75,9% số người học của đơn vị), 220 người tốt nghiệp tiến sĩ (chủ yếu là cán bộ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng các tỉnh trong vùng).

ĐH Thái Nguyên đã ký biên bản hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, trồng trọt các loại cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây ngắn ngày…

ĐH Thái Nguyên còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế để tư vấn cho địa phương hoạch định chính sách; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất, tổ chức khảo sát, xây dựng các đề án, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, các vấn đề kinh tế vùng, chính sách thu hút và quản lý nguồn đầu tư nước ngoài, đào tạo nghề và xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên, môi trường…

ĐH Thái Nguyên: Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng ảnh 3
Các học viên trường ĐH Y - Dược nhận Bằng thạc sĩ

Để tiếp tục phát huy vai trò và vị thế, ĐH Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch phát triển trong những năm tới, với một số nhiệm vụ lớn: Phát triển quy mô đào tạo hợp lý; tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng và đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định; xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở gắn với mô hình đại học điện tử, thông minh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ