ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bị lấn chiếm: Đòi không được, kiện chẳng xong!

GD&TĐ - Như Báo Giáo dục & Thời đại đã phản ánh, hơn 3.000 m2 đất thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM quản lý đã bị một hộ dân lấn chiếm.

Vị trí khu đất bị lấn chiếm của HCMUTE.
Vị trí khu đất bị lấn chiếm của HCMUTE.

Nhà trường đã tiến hành các thủ tục, công văn để “đòi” lại nhưng đến nay đã… 25 năm mọi việc vẫn không có tiến triển. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Chính quyền “gợi ý” kiện, tòa chưa thụ lý

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng phòng Tổ chức Hành chính HCMUTE, việc đòi lại số đất này đến nay đã trải qua 25 năm với nhiều công đoạn nhiêu khê.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tiếp nhận khu đất của Trung tâm đào tạo nghề Việt Nam - Hàn Quốc từ ngày 29/10/1997. UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 24/01/2005. Thời điểm này đã có trường hợp hộ ông Ngô Thanh Bằng cư trú trái phép và có hành vi mua bán, sang nhượng, cho thuê đất của nhà trường cho nhiều hộ dân khác.

“Nhà trường đã rất nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng và đã nhận được nhiều chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, UBND Q.9 (cũ) nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm” - ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Theo đại diện HCMUTE, ngày 4/8/2006, UBND P.Tăng Nhơn Phú A (Q.9 cũ) đã có Báo cáo số 179/BC-UBND về nguồn gốc nhà đất các hộ dân sống trong phần đất của HCMUTE, trong đó đã kết luận “Xét một phần diện tích đất nằm trong khu vực của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có nguồn gốc do Trường Nguyễn Ái Quốc II đăng ký sử dụng, thuộc diện đất công do Nhà nước quản lý sử dụng và hiện nay do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sử dụng. Các hộ dân được Trường Nguyễn Ái Quốc II cho ở nhờ và chiếm dụng sang nhượng không phép sử dụng cho đến nay”.

Một điểm đáng chú ý, ngày 5/7/2013, Phó Chủ tịch UBND Q.9 Nguyễn Văn Thành có công văn số 1174/UBND-TNMT về phúc đáp văn bản số 78/CV-ĐHSPKT-TCCB ngày 17/4/2013 với nội dung: “Trường hợp không thỏa thuận được việc hỗ trợ, bồi thường đối với ông Ngô Thanh Bằng thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân để được giải quyết theo quy định”. Theo hướng dẫn của UBND Q.9, nhà trường đã khởi kiện ông Ngô Thanh Bằng ra TAND Q.9, nhưng đến nay tòa vẫn chưa thụ lý vụ án.

Sau đó, với sự quan tâm của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM, Văn phòng Thành ủy đã có phiếu chuyển số 414-PC/VPTU ngày 27/2/2017; đồng thời, Văn phòng UBND TPHCM có 2 công văn chỉ đạo: + Công văn số 1401/VP-NCPC ngày 10/2/2017 giao Chủ tịch UBND Q.9 có báo cáo, đề xuất hướng xử lý trong tháng 2/2017; + Công văn số 2850/VP-ĐT ngày 13/3/2017 giao UBND Q.9 phối hợp với Sở Xây dựng và trường xem xét xử lý đối với trường hợp nêu trên đúng quy định, báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM gấp.

Đồng thời, ngày 19/10/2018, Công an P.Tăng Nhơn Phú A đã gửi Công văn số 624/CV-CAP về việc xác minh nguồn gốc nhà đất để cấp sổ tạm trú cho 16 hộ, 43 nhân khẩu đang cư trú bất hợp pháp tại khuôn viên trường.

Theo đó, nhà trường đã có Công văn số 530/ĐHSPKT-TCHC ngày 22/10/2018 phản hồi và đề nghị Công an P.Tăng Nhơn Phú A phối hợp với các cơ quan chức năng theo thẩm quyền thực hiện di dời các hộ gia đình trên ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất của trường theo chỉ đạo của UBND TP, không giải quyết việc đăng ký tạm trú cho các hộ dân đang cư trú bất hợp pháp trong khuôn viên trường.

Tuy nhiên, theo đại diện HCMUTE, chính quyền địa phương vẫn “nhắm mắt làm ngơ”, buông lỏng việc quản lý và cấp chứng nhận tạm trú trái phép cho các hộ dân tại khu vực này, đây là cơ sở pháp lý để Công ty Điện lực Thủ Thiêm cung cấp điện cho các hộ dân này. Từ đó, ông Ngô Thanh Bằng không chỉ chiếm dụng mà còn ngang nhiên sang nhượng không phép đất của nhà trường từ năm 1995 đến nay. 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan trách nhiệm quản lý, sử dụng đất công của các cơ sở giáo dục công lập, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, pháp luật hiện hành quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 147 Luật đất đai năm 2013.

Trong đó, có quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích. Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác”. Như vậy, vấn đề này thuộc thẩm quyền của người đứng đầu (hiệu trưởng) của cơ sở giáo dục đó.

Khi có hành vi lấn chiếm đất công, TS Bùi Kim Hiếu cho rằng: “Tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền (cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh) xử lý theo pháp luật về đất đai, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.

Với trường hợp “Một hộ dân chiếm dụng đất và cư ngụ bất hợp pháp trong khuôn viên cơ sở 2 HCMUTE hơn 25 năm qua, theo TS Bùi Kim Hiếu cần phải làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan. Trước hết là xác định rõ thời điểm lấn chiếm là thời điểm nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta căn cứ vào việc hành vi lấn chiếm đất công đó đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chưa và có các biện pháp khắc phục hậu quả của cơ quan có thẩm quyền kèm theo hay không (buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép chẳng hạn…)?

Bởi việc lấn chiếm mà không có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên tục từ khi có hành vi vi phạm thì khó xác định được thời điểm lấn chiếm.

Nếu không có cơ sở trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào 3 đợt kê khai về đất đai (8/12/1980; 15/10/1993 và trước 1/7/2004) để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét người lấn chiếm đó có kê khai hay không, diện tích bao nhiêu và có thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước hay không?

Các tài liệu bản đồ qua các thời kỳ do Nhà nước xác lập, sổ địa chính lưu trữ tại địa phương là cơ sở xem xét quá trình quản lý sử dụng đất của cá nhân, tổ chức tại địa phương đó (Đối với đất công do Nhà nước quản lý thì người dân có tự kê khai nhưng không được Nhà nước công nhận, nhưng nó sẽ là cơ sở xem xét thời điểm người dân chiếm dụng để xác định mức hỗ trợ nếu Nhà nước thu hồi đất). Trên cơ sở truy xuất tài liệu lưu trữ của địa phương để xác định thời điểm lấn chiếm là thời điểm nào?

Bên cạnh đó, theo TS Bùi Kim Hiếu cần phải xem xét việc lấn chiếm xảy ra trước hay sau thời điểm cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước giao đất? Nếu việc lấn chiếm xảy ra sau thời điểm được giao thì việc giải quyết khá đơn giản, chỉ cần tuân thủ quy định pháp luật hiện hành giải quyết.

Trách nhiệm của người được giao có nghĩa vụ thương lượng giải quyết đối với bên lấn chiếm nếu không thương lượng được thì báo cáo nhờ chính quyền hỗ trợ hòa giải, nếu không được thì khởi kiện tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lấn chiếm (trong trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

“Còn về lấn chiếm trước thời điểm giao đất cho trường đã được cấp giấy chứng nhận thì trường tự thương lượng để dân di dời, nếu không được thì có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao đất để được hướng dẫn giải quyết.

Trong thực tế chính quyền địa phương hay nhắc nhở các trường hợp được cấp giấy phải kiểm tra trước hiện trạng khu đất trước khi nhận (nhận đất sạch, trường hợp có vướng nhà đất hộ dân lấn chiếm thì xin điều chỉnh diện tích đất: Loại bỏ phần diện tích nhà đất đang có hộ dân lấn chiếm để tránh phát sinh tranh chấp về sau). Nhưng trường hợp này khó giải quyết theo phương án trên vì theo tôi được biết các hộ dân lấn chiếm ngay giữa khu đất, và sinh sống nhiều thế hệ” - TS Bùi Kim Hiếu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.