ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Dân lấn chiếm khuôn viên trường hơn 25 năm

GD&TĐ - Một hộ dân chiếm dụng đất và cư ngụ bất hợp pháp trong khuôn viên cơ sở 2 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) hơn 25 năm qua.

Vị trí đất mà ông Ngô Thanh Bằng lấn chiếm trong khuôn viên HCMUTE.
Vị trí đất mà ông Ngô Thanh Bằng lấn chiếm trong khuôn viên HCMUTE.

Trường đã nhiều lần họp, gửi đơn thư kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng sự việc không có tiến triển.

Hành trình đòi đất công nhiêu khê

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng phòng Tổ chức Hành chính HCMUTE, tổng diện tích của trường bị lấn chiếm đến hiện tại là hơn 3.000 m2. Việc đòi lại số đất này đến nay là một hành trình rất dài.

Tháng 4/2017, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) có văn bản gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM. Văn bản kiến nghị xử lý dứt điểm vụ ông Ngô Thanh Bằng xây dựng, lấn chiếm đất của trường tại số 484 đường Lê Văn Việt, Q.9, TPHCM. Kiến nghị nêu rõ quá trình giải quyết của các đơn vị chức năng từ năm 1995 đến nay.

Cụ thể, ngày 8/12/1995, Công an xã Tăng Nhơn Phú đã làm việc với bà Trương Thị Kim Oanh (vợ ông Ngô Thanh Bằng) và yêu cầu phải di dời trước ngày 8/3/1996. Ngày 27/7/1996, UBND xã Tăng Nhơn Phú có báo cáo đề nghị UBND huyện Thủ Đức chỉ đạo cưỡng chế theo luật.

Gần 10 năm sau, ngày 17/4/2006, UBND Q.9 có Thông báo số 161/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Quận 9 Nguyễn Văn Thành giao UBND phường Tăng Nhơn Phú A phối hợp với HCMUTE kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của hộ dân, lập biên bản vi phạm xây dựng (nếu có) và báo cáo cho các phòng, ban chức năng có liên quan để tham mưu cho UNBD quận giải quyết.

Ngày 4/8/2006, UBND phường Tăng Nhơn Phú A có Báo cáo số 179/BC-UBND về nguồn gốc nhà đất của các hộ dân sống trong phần đất của HCMUTE. Hơn 3 năm sau, ngày 16/11/2009, UBND Q.9 có Thông báo số 299/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Q.9 Nguyễn Văn Thành giao UBND phường Tăng Nhơn Phú A tổ chức tiếp xúc vận động hộ ông Ngô Thanh Bằng và trường thỏa thuận mức di dời, nếu không thỏa thuận được thì hướng dẫn các bên khởi kiện tại tòa án để được giải quyết.

Một năm sau, ngày 22/11/2010, UBND P.Tăng Nhơn Phú A đã tiến hành tổ chức buổi hòa giải trường hợp cư ngụ của ông Ngô Thanh Bằng, buổi hòa giải không thành do ông Bằng không đến dự.

Ngày 24/1/2011, Phó Chủ tịch UBND Q.9 Nguyễn Văn Thành có Công văn số 97/UBND-TNMT về phúc đáp Văn bản số 233/CV-ĐHSPKT-HCQT ngày 16/12/2010 với nội dung: Trường hợp trường không thỏa thuận được việc hỗ trợ, bồi thường đối với ông Ngô Thanh bằng thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân để được giải quyết theo quy định.

Hơn 2 năm sau, ngày 5/7/2013, Phó Chủ tịch UBND Q.9 Nguyễn Văn Thành có Công văn số 1174/UBND-TNMT về phúc đáp Văn bản số 78/CV-ĐHSPKT-TCCB ngày 17/4/2013 với nội dung: Trường hợp trường không thỏa thuận được việc hỗ trợ, bồi thường đối với ông Ngô Thanh Bằng thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân để được giải quyết theo quy định. Theo hướng dẫn của UBND Q.9, nhà trường đã khởi kiện ông Ngô Thanh Bằng ra TAND Quận 9, nhưng đến nay tòa vẫn chưa thụ lý vụ án.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 16/2/2011, Bộ Tài chính có Công văn số 2071/BTC-QLCS về việc phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất trong đó có chỉ đạo thực hiện di dời hộ gia đình ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà đất tại số 484 đường Lê Văn Việt, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9.

Ngày 30/3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 1723/BGDĐT-KHTC về phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của HCMUTE đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện di dời hộ gia đình còn đang ở ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất.

“Việc hộ gia đình ông Ngô Thanh Bằng tự chiếm dụng, sang nhượng không phép sử dụng cho đến nay, giữa nhà trường và gia đình đã có nhiều lần thương thảo hỗ trợ di dời nhưng đều không thành công.

Ông Ngô Thanh Bằng đã xây dựng trái phép nhà, 18 phòng trọ, bán đất của trường bằng giấy tay cho ông Nguyễn Hoài Bông, Bùi Đức Tịnh, Đỗ Văn Tình, Hoàng Đức Ngà xây nhà với cấu trúc móng gạch, tường gạch, mái tole, gây mất an ninh trật tự trong khuôn viên trường, xả nước thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh viên.

Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị chính quyền thực hiện di dời các hộ gia đình trên ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất của trường nhưng đều không có kết quả” - trích văn bản do Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng ký tháng 4/2017.

Lấn chiếm từ năm 1987

Theo Biên bản buổi làm việc ngày 31/3/2004 giữa HCMUTE và ông Ngô Thanh Bằng do ông Nguyễn Văn Thức - Phó Hiệu trưởng HCMUTE thời điểm đó chủ trì, ông Ngô Thanh Bằng phát biểu: “Gia đình chúng tôi ở căn nhà hiện nay từ năm 1987. Khi ấy do Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc II quản lý, gia đình ở căn nhà này được sự đồng ý bằng văn bản do ông Sáu Minh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của trường ký.

Gia đình chúng tôi biết việc trong khuôn viên của cơ sở giáo dục không lâu dài được, sớm muộn cũng phải chuyển ra ngoài, chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước. Tuy vậy, gia đình gặp khó khăn, chưa có điều kiện di chuyển ngay. Nếu được xin nhà trường cấp cho một miếng đất để gia đình ở”.

Đồng thời, ông Ngô Thanh Bằng nói thêm tại cuộc họp: Gia đình chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của nhà trường. Do hoàn cảnh lịch sử, gia đình ở căn nhà từ năm 1987, thực sự có khó khăn khi phải di chuyển ra ngoài, chúng tôi biết chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc đền bù khi giải tỏa, di dời.

Rất mong nhà trường giúp đỡ, giảm bớt khó khăn cho gia đình khi phải di dời. Gia đình sẽ tự giác tháo dỡ những phần xây dựng thêm, ngoài khuôn viên ngôi nhà khi Trường Đảng cho phép ở. Thực hiện nghiêm túc quy định về trật tự trị an chung. Hết lòng hợp tác để giải quyết có tình, có lý ở những công việc liên quan…

Cũng ở văn bản này, phía HCMUTE đồng ý hỗ trợ gia đình ông Bằng trong việc di dời nhưng yêu cầu ông Bằng cung cấp các văn bản giấy tờ liên quan.

Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 5/7, ông Bùi Văn Học - nguyên Chủ tịch Công đoàn HCMUTE, thành viên tham gia cuộc hợp thời điểm đó cho biết, mặc dù họp thống nhất như vậy nhưng sau đó phía ông Bằng không trưng ra được giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của trường.

“Để sự việc bế tắc kéo dài đến tận bây giờ là do phía chính quyền địa phương (UBND Q.9, P. Tăng Nhơn Phú A) không giải quyết dứt điểm cho nhà trường. Chứ việc nhà ông Bằng lấn chiếm đất công của trường là quá rõ ràng” - ông Bùi Văn Học chia sẻ.

Liên quan vụ việc, luật sư Nguyễn Thành Đua cho rằng có 2 vấn đề đặt ra: “Với hệ thống quản lý đô thị từ cấp phường, quận, sở đông như thế mà ông Bằng xây dựng gần cả trăm phòng trọ cho thuê thu nhập vài trăm triệu/tháng mà họ không biết không hay khi mỗi lần nhà trường thông báo thì phường cử người xuống rồi đâu lại vào đó.

Đồng thời, công trình bất hợp pháp hình thành, nếu công an không xác nhận thì làm sao có điện nước. Bên cạnh đó, việc cho đăng ký tạm trú ở trong những căn phòng xây dựng bất hợp pháp này yêu cầu phải có các loại giấy tờ: Giấy tờ nhà, hợp đồng thuê nhà, chủ hộ phải đi đăng ký tạm trú cho người thuê thì công an phường mới ký sổ cho tạm trú…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.