Chọn hiệu trưởng tại HCMUTE: Quy trình nào hợp lý?

GD&TĐ - Trước một số thông tin cáo buộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) vi phạm quy trình bầu chọn nhân sự hiệu trưởng, đại diện nhà trường cho rằng đã thực hiện đúng quy định của Nghị định 115.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nơi đang có tranh cãi về quy trình chọn hiệu trưởng vừa qua.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nơi đang có tranh cãi về quy trình chọn hiệu trưởng vừa qua.

Tuy nhiên, theo Nghị định 115 thì quy trình gồm 5 bước, trong khi quy trình của nhà trường có tới 7 bước. Vậy, quy trình nào hợp lý?

Bổ nhiệm viên chức quản lý

Theo đó, nhân sự vừa được Hội đồng trường HCMUTE chọn làm Hiệu trưởng nhiệm kỳ tới có số phiếu dưới 50% ở Bước 2 nhưng lại được phiếu cao ở Bước 3.

Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều ý kiến trái chiều ngay sau khi Hội đồng trường HCMUTE ban hành nghị quyết quyết định về việc giữ chức vụ Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh và đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận. Một số ý kiến cho rằng làm như vậy là vi phạm trình tự.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đương nhiệm HCMUTE, có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc “bầu hiệu trưởng” của nhà trường, tuy nhiên HCMUTE là trường ĐH công lập nên việc quyết định nhân sự hiệu trưởng là cơ quan có thẩm quyền làm quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý, chứ không phải bầu hiệu trưởng.

“Chính vì đây là quy trình bổ nhiệm nên phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục bổ nhiệm viên chức quản lý quy định trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP (Nghị định 115) ban hành ngày 25/9/2020.

Dư luận có nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này có lẽ do hiểu lầm đây là Quy trình bầu Hiệu trưởng và chưa hiểu rõ quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý (ở đây là Hiệu trưởng) được quy định trong Nghị định 115, do đây là quy định mới được ban hành” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng thông tin.

Xung quanh ý kiến cho rằng, trong quy trình của nhà trường có quy định nếu số phiếu dưới 50% ở Bước 2 thì không được giới thiệu ở Bước 3, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng Bước 2 là lấy thư giới thiệu cho các bước tiếp theo chứ không phải bỏ phiếu.

Điều 46 của Nghị định 115 ghi rõ tập thể lãnh đạo ở Bước 3 có thể chọn bất kỳ ai (miễn trong quy hoạch) bằng phương thức bỏ phiếu kín. Hoàn toàn không đề cập người dưới 50% số phiếu thì không được bầu chọn. Tập thể lãnh đạo cũng có thể chọn người 0 phiếu ở Bước 2.

“Quyền quyết định lớn nhất ở đây là Đảng ủy và Hội đồng trường (HĐT). HĐT gồm các đại cử tri đại diện cho toàn thể CBVC vì họ được bầu để chọn hiệu trưởng. Cũng nên lưu ý là Luật GDĐH và Nghị định 99 đã chỉ rõ, tập thể lãnh đạo trường đối với các cơ sở GD bao gồm cả Thường vụ Đảng ủy”, ông Dũng nói.

Nội dung nghị quyết mới ban hành của Hội đồng trường HCMUTE.
Nội dung nghị quyết mới ban hành của Hội đồng trường HCMUTE.

Bao nhiêu bước là phù hợp?

Một trong những vấn đề gây tranh cãi là quy trình gồm 7 bước của HCMUTE, trong khi theo Nghị định 115, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý thực hiện qua 5 bước.

TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, việc bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị công lập phải dựa vào quy định của Luật Viên chức và Nghị định 115; trong đó đối với viên chức lãnh đạo trường ĐH công lập phải dựa vào Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 115, đồng thời, còn phải tuân thủ quy định của Đảng.

Tuy nhiên, các quy định của Nghị định 115 phải phù hợp với các quy định của Đảng nên việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH chủ yếu phải căn cứ vào Luật GDĐH (ban hành năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018) và Nghị định 115.

Theo Nghị định 115, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH công lập phải thực hiện qua 5 bước, chưa kể bước xin chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, tùy tình hình thực tiễn của các đơn vị mà có thêm một, hai bước.

“Nghị định 115 quy định, đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý phải trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bằng văn bản về chủ trương đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm. Nhưng hiểu “cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm” này là đơn vị nào thì thực tế tùy thuộc vào cơ quan quản lý trực tiếp.

Đối với với các trường ĐH thuộc Bộ GD&ĐT, “cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm” này được xác định là HĐT do Luật GDĐH quy định HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng…” - TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

Ngoài ra, TS Bùi Kim Hiếu cũng cho rằng, một vấn đề khác liên quan quy trình bổ nhiệm 5 bước tiếp theo mà Nghị định 115 quy định là thành phần tham gia trình tự của từng bước.

Thế nhưng, các trường ĐH còn phải tuân thủ quy định của Luật GDĐH, trong đó HĐT quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; và thủ tục HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng được đặt trong quy trình bổ nhiệm nhân sự nói chung.

“Quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng của một trường ĐH công lập gồm bao nhiêu bước được mỗi trường lựa chọn, quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường, miễn sao đạt 2 yêu cầu: Đảm bảo đủ các nội dung về 5 bước thực hiện theo quy định của Nghị định 115 và đảm bảo quyền của HĐT được quyết định nhân sự hiệu trưởng theo quy định của Luật GDĐH. Nếu quy chế tổ chức và hoạt động được quy định đúng như trên và trường tổ chức thực hiện đúng quy chế là quy trình hợp pháp”, TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

Liên quan tình huống có nhân sự được bổ nhiệm hiệu trưởng tuy không đạt 50% ở bước trước nhưng vẫn được lựa chọn ở bước sau, TS Bùi Kim Hiếu cho rằng có thể xảy ra vì Nghị định 115 cho phép: Mỗi thành viên lãnh đạo giới thiệu 1 người cho một chức vụ trong số nhân sự được giới thiệu ở Bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn.

Như vậy, có thể có trường hợp đơn vị thực hiện đúng Nghị định 115 nhưng người đạt phiếu cao ở bước trước không được lựa chọn ở bước sau.

Nếu điều đó xảy ra thì phải theo quy định “nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo”.

Thực hiện quy định này trong quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng là trường phải báo cáo, giải trình với HĐT hoặc cơ quan quản lý trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.