Thưa GS, khác với những năm trước, năm nay sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh mới nộp đơn xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ trong khoảng thời gian 20 ngày. Với số lượng đăng ký dự thi vào ĐH Đà Nẵng như những năm trước, năm nay số hồ sơ đăng ký đợt 1 sẽ rất lớn. Xin ông cho biết, ĐH Đà Nẵng sẽ tổ chức sắp xếp công tác thu nhận, xử lý hồ sơ như thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh nộp hồ sơ?
Những năm trước đây, trung bình trong 2 đợt tuyển sinh, đợt 1 và đợt 2, ĐH Đà Nẵng có khoảng 45.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có những thí sinh vắng thi và các thí sinh dự thi cả 2 đợt.
Với đặc điểm có kết quả dự thi rồi mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển như năm nay, dự kiến trong đợt 1, từ 1.8 đến 20.8, ĐH Đà Nẵng sẽ thu khoảng trên dưới 30.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Để thu nhận và xử lý một lượng lớn hồ sơ đăng ký xét tuyển trong thời gian ngắn như trên, bao gồm cả thu nhận hồ sơ trực tiếp và thu hồ sơ qua đường bưu điện, ĐH Đà Nẵng đã có phương án chuẩn bị như sau:
Đối với thu nhận hồ sơ trực tiếp tại ĐH Đà Nẵng: Chúng tôi đã xây dựng phần mềm hỗ trợ việc thu nhận hồ sơ; bố trí 9 bàn thu hồ sơ đồng thời và nhiều bàn thu lệ phí xét tuyển; tổ chức phát số thứ tự, gọi tên theo hệ thống số và bố trí địa điểm ngồi đợi gọi tên nộp hồ sơ.
Đặc biệt, ĐH Đà Nẵng cũng bố trí khu vực dùng để tư vấn việc chọn ngành, chọn trường, tư vấn các chính sách ưu tiên… cho thí sinh. Lực lượng Đoàn viên thanh niên tham gia giữ trật tự, hướng dẫn thí sinh làm các thủ tục đăng ký xét tuyển.
Đối với thu nhận hồ sơ qua đường bưu điện: ĐH Đà Nẵng bố trí người nhận hồ sơ vào cuối mỗi buổi và có 4 cán bộ phân loại, nhập dữ liệu đăng ký dự thi.
Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng cũng xây dựng mục đăng ký trực tuyến trên trang web tuyển sinh (ts.udn.vn) và khuyến khích thí sính đăng ký trực tuyến để giảm thời gian chờ đợi khi nộp hồ sơ.
Chúng tôi cam kết sẽ làm tất cả để việc đăng ký xét tuyển cũng như sự lựa chọn ngành nghề đào tạo được thuận lợi nhất cho các em thí sinh. Công tác tổ chức đăng ký và xét tuyển được tiến hành một cách hết sức chủ động, công bằng và khách quan.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các nguyện vọng trong một trường của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Vậy thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng chỉ được đăng ký 4 ngành trong cùng 1 trường hay có thể đăng ký 4 ngành ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, thưa ông?
Với lợi thế là một ĐH vùng, trong đó có các trường với hầu hết các ngành nghề mà xã hội yêu cầu thuộc các khối ngành Kỹ thuật, Kinh tế, KHTN, KHXH&NV, Sư phạm, Ngoại ngữ… các thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng sẽ có lợi thế rất lớn khi đăng ký 4 ngành trong từng đợt xét tuyển. Chính vì vậy, sự lựa chọn của các thí sinh sẽ đa dạng hơn về cơ cấu ngành nghề.
Các thí sinh đăng ký xét tuyển được chọn 4 ngành trong cùng một trường thành viên của ĐH Đà Nẵng.
Xin ông cho biết, với phương án xét tuyển và tổ hợp môn xét tuyển của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng như năm nay, thí sinh cần lưu ý những gì?
Một số điểm thí sinh cần lưu ý khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển như: Cần tham khảo điểm chuẩn xét tuyển cho các ngành ở các năm trước để lựa chọn phù hợp.
Hầu hết các ngành tuyển sinh của các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đều dùng nhiều tổ hợp môn thi để tuyển sinh. Do vậy thí sinh cần theo dõi quy định về điểm lệch nhau giữa các tổ hợp và lựa chọn tổ hợp phù hợp đăng ký xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển vào ngành đã chọn.
Đối với một số ngành sử dụng các tổ hợp môn mới dùng để xét tuyển, chỉ tiêu đối với các tổ hợp mới này không quá 25% trong tổng chỉ tiêu xét tuyển của ngành.