Sân chơi khoa học thực thụ của sinh viên
Giải cũng là thước đo về chất lượng đào tạo, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên tại các trường.
Với 6 đề tài được chọn vào Vòng chung kết sếp hạng, Trường ĐH Công Nghiệp Thực phẩm TPHCM đã có chiến thắng vang dội khi giành được 2 giải Nhất và một giải Nhì tại cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 20.
Giải thưởng Euréka lần thứ 20 được triển khai và thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 11/2018. Năm nay giải thưởng thu hút sự tham gia của 106 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện đến từ 24 tỉnh, thành trong nước với 903 đề tài của 2.263 sinh viên.
Sinh viên trường ĐHCN Thực phẩm TPHCM tại Lễ trao giải |
Qua các vòng Sơ loại và Bán kết, 165 đề tài xuất sắc đã được chọn vào vòng chung kết. Hội đồng khoa học của 12 lĩnh vực đã quyết định trao tổng cộng 100 giải bao gồm 11 giải nhất, 11 giải nhì, 15 giải ba cùng 63 giải khuyến khích cho những nghiên cứu nổi bật nhất. Tổng giá trị trao thưởng là 336.000.000 đồng.
Đến với Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 20 - năm 2018, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM phải vượt qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp khoa, cấp trường, được Hội đồng khoa học Khoa và Nhà trường đánh giá cao trước khi đăng ký tham gia dự thi.
Vượt qua vòng Sơ loại tại trường, 24 đề tài nghiên cứu khoa học của 72 sinh viên được gửi đi tranh tài ở 5 lĩnh vực bao gồm: Công nghệ thực phẩm; Nông Lâm Ngư nghiệp; Công nghệ Hóa – Dược; Công nghệ Sinh – Y sinh; Kỹ thuật Công nghệ.
6 đề tài xuất sắc nhất được Hội đồng Khoa học các lĩnh vực lựa chọn vào vòng Chung kết (Khoa Công nghệ thực phẩm: 3; Khoa Công nghệ sinh học: 2; Khoa Công nghệ Điện – Điện tử: 1)
Với tính khoa học và khả năng ứng dụng của đề tài vào thực tiễn cao, 3 đội thi từ khoa Công nghệ thực phẩm đã xuất sắc mang vinh dự về cho Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM với 2 giải Nhất (lĩnh vực Công nghệ thực phẩm và lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp) và 1 giải Nhì (lĩnh vực Công nghệ thực phẩm).
3 giải thưởng đều có tính ứng dụng cao
Cả 3 giải cao nhật của giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 20 mà Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đạt được đều được Ban giám khảo đánh giá cao ở tính thực tế và ứng dụng.
Giải Nhất của lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp của nhóm tác giả Đinh Thị Huyền, Nguyễn Thị Minh Chi, Lê Thị Mỹ Ngọc, Nguyễn Phạm Cẩm Tiên với sự hướng dẫn của cô Hoàng Thị Ngọc Nhơn.
Với đề tài “Nghiên cứu thu nhận Fucoidan tinh sạch từ rong sụn Kappaphycus alvareii” được Hội đồng khoa học lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp đã đánh giá rất cao bởi tính mới và ý nghĩa thực tiễn của đề tài.
Nhóm tác giả đạt giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu thu nhận Fucoidan tinh sạch từ rong sụn Kappaphycus alvareii” |
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình trích ly Fucoidan tối ưu dựa trên đặc điểm về thành phần cấu tạo và đặc tính riêng biệt của rong sụn; xác định được thành phần, cấu trúc, khối lượng nguyên tử của hợp chất Fucoidan từ rong sụn.
Kết quả nghiên cứu cho phép tận dụng nguồn nguyên liệu thực vật có sẵn trong nước để khai thác thu nhận hợp chất có hoạt tính sinh học cao, mở rộng khả năng ứng dụng trong lĩnh vực y học của Fucoidan rong sụn, nâng cao giá trị kinh tế của nguyên liệu.
Nghiên cứu này góp phần bổ sung vào thành tựu về Fucoidan của rong biển Việt Nam theo định hướng tìm kiếm những nguồn dược liệu mới nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội.
Đề tài thứ hai là “Nghiên cứu và phát triển sản phẩm bột rau đắng hòa tan chứa hợp chất sinh học Triterpensaponin” của nhóm tác giả Phùng Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Hương Lan, Trương Trọng Nguyên, Nguyễn Thị Thu Thảo và giảng viên hướng dẫn là cô Hoàng Thị Trúc Quỳnh (Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ thực phẩm) hướng đến việc phòng và điều trị một số bệnh về trí não bằng chế phẩm mới.
Nhóm tác giả đạt Giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu và phát triển sản phẩm bột rau đắng hòa tan chứa hợp chất sinh học Triterpensaponin" |
Với nguyên liệu chủ yếu từ cây Rau đắng - một nguồn nguyên liệu thực vật hoang dại phân bố rộng khắp ở các vùng nhiệt đới nhưng có giá trị trong việc phòng và điều trị một số bệnh về trí não nhờ chứa nhóm hoạt chất sinh học Triterpensaponin, nhóm tác giả đã nghiên cứu đã ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại trong công nghệ thực phẩm vào quy trình sản xuất bột hòa tan từ rau đắng biển.
Nghiên cứu nhằm tạo ra dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về nhóm các sản phẩm tiện dụng có tác dụng dược lý tốt cho sức khỏe.
Đồng thời kết quả của nghiên cứu cũng góp phần thiết lập hướng đi mới, giải quyết đầu ra cho nông dân các vùng trồng rau đắng biển, sản phẩm có khả năng chuyển giao và sản xuất tốt.
Hội đồng khoa học lĩnh vực Công nghệ thực phẩm đã đánh giá rất cao tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa xã hội của đề tài này
Giải Nhì lĩnh vực Công nghệ thực phẩm của nhóm tác giả Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM với đề tài“Nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm bánh mì synbiotic” cũng là một dự án nghiện cứu được đánh gái cao ở chất lượng nghiên cứu và khả năng chuyển giao.
Với mục đích hướng đến sự antoàn cho người dân trong sử dụng thực phẩm tiện dụng, nhóm tác giả Trương Đức Thắng, Lê Thị Hạnh Quyên, Hoàng Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thiên Luân (Giảng viên hướng dẫn: Liêu Mỹ Đông) đã phát triển thành công ý tưởng ứng dụng chủng vi khuẩn probiotic vào các sản phẩm thực phẩm tiện dụng đã qua xử lý nhiệt độ cao trong quá trình chế biến như bánh mì.
Sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm góp phần giúp trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM ghi dấu ấn với 2 giải Nhất, 1 giải Nhì |
Kết quả nghiên cứu của nhóm cho thấy; chất mang Alginate khi kết hợp với Maltodextrin và Xanthan gum giúp mang lại hiệu quả kép. Một là, Maltodextrin giúp cải thiện khả năng sống của chủng lợi khuẩn trong quá trình nướng.
Xanthan gum giúp hạn chế cấu trúc xốp của chế phẩm vi gói từ đó cải thiện khả năng sống của vi khuẩn probiotic trong điều kiện muối mật và dạ dày nhân tạo.
Thành công này đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm và sự an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.