'Dệt ký ức' bằng những mảnh vải cũ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Từ những mảnh vải cũ, quần áo bỏ đi… nghệ sĩ đã tái hiện những di sản từng bị lãng quên.

Tranh của Võ Trân Châu phải đứng xa, nheo mắt lại mới ngắm hết chi tiết ẩn.
Tranh của Võ Trân Châu phải đứng xa, nheo mắt lại mới ngắm hết chi tiết ẩn.

Hình ảnh xưởng đóng tàu Ba Son, thương xá Tax, xe điện Sài Gòn xưa, trường vẽ Gia Định, nhà thờ Trà Cổ, nhà máy dệt Nam Định… được nghệ sĩ Võ Trân Châu tái hiện. Bằng vải cũ, cúc áo… với các kỹ thuật nhuộm - đắp - thêu - khâu, như lời thủ thỉ cùng lịch sử khi di sản rơi vào quên lãng.

Những di sản bị lãng quên

Ngày 20/8, nghệ sĩ Võ Trân Châu sẽ có một workshop tại không gian Galerie Quynh (TPHCM). Công chúng sẽ được tận mắt tìm hiểu quá trình sáng tác của nghệ sĩ, và cách tạo nên một bức tranh vải với hình ảnh được kết lại từ cúc áo.

Võ Trân Châu là nghệ sĩ thích sống với những điều xưa cũ. Ký ức về những ngày thơ bé gắn liền với công việc may vá, thêu thùa từ xưởng may gia đình. Bởi vậy, thực hành nghệ thuật của cô bao giờ cũng gắn với vải.

Triển lãm “Nhặt lá rừng xưa” mà Võ Trân Châu tổ chức năm 2020 với 19 tác phẩm được trưng bày là những ân tình của cô với nghề dệt. Ở đó, các công trình kiến trúc bị phá dỡ hay những thứ đã bị bào mòn được tái hiện sống động như một câu chuyện kể vọng về từ quá khứ.

Bốn tác phẩm đồ sộ nhất trong triển lãm là về những xưởng dệt trải dọc Việt Nam thời Pháp thuộc: Nhà máy dệt Nam Định, nhà máy dệt 8/3, nhà máy dệt Phú Phong và nhà máy dệt Phú Lâm. Tất cả những nơi này giờ đây đã bị dỡ bỏ để nhường không gian cho các công trình mới.

Là người gắn bó với nghề dệt, cô vẫn không ngừng lục lọi trong quá khứ để tìm những ký ức mong “dệt” lại những câu chuyện mà lịch sử đã lãng quên. Cô nói rằng, ngành dệt may của Việt Nam phát triển mạnh vào thời Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Thế nhưng, trái với những món đồ xa xỉ công nhân may hằng ngày, họ lại phải sống trong điều kiện đầy khó khăn đến mức tệ hại.

Bốn tấm vải lớn tương ứng với bốn nhà máy được quây thành một căn phòng nhỏ bằng diện tích nhà trọ của công nhân. Cảm giác tiếc nuối dành cho nhà máy sóng đôi với sự đồng cảm của nghệ sĩ dành cho những người làm nghề may vá.

Những đồ cô thu nhặt được, từ cái ghế gỗ, bàn sắt thuốc, khung cửa xưa, quần áo cũ trở thành chất liệu cho triển lãm. Những thứ bỏ đi ấy, ai nghĩ rằng sẽ thành tác phẩm nghệ thuật. Ở đó, có ký ức, có sự ám ảnh và bao trùm lấy suy tư của công chúng về sự phát triển và lãng quên những di sản huy hoàng của thời đã qua.

Việc xâu kết từng tấm vải dệt vuông giống như cách tái thiết các tình tiết bị lạc. Võ Trân Châu chuyển thể hình ảnh của nhiều địa điểm có tầm quan trọng văn hóa, bằng cách kết nối chúng thành những điểm ảnh, nhằm giảm độ phân giải - dưới dạng họa tiết mosaic nhòe. Người xem phải đứng xa, nheo mắt lại mới ngắm hết chi tiết ẩn trên tấm vải.

Những hình ảnh đó, bị mờ nhòe khỏi tầm nhìn, lảng tránh những nỗ lực nhìn của người xem. Đồng thời hướng sự chú ý tới bản chất của ký ức với sự mơ hồ, đôi khi cố tình bị quên mất. Trong các tác phẩm khác, Võ Trân Châu tiếp tục khám phá hành động hồi tưởng, nhưng với các chủ thể có lịch sử chồng chéo.

Níu giữ những gì đã mất

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Võ Trân Châu gắn liền với vải.

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Võ Trân Châu gắn liền với vải.

Năm 2015, Võ Trân Châu tham gia Phòng thí nghiệm Sàn Art, chương trình nghệ thuật lưu trú khởi xướng bởi Sàn Art – một không gian nghệ sĩ độc lập tại TPHCM. Cô được trao tặng Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam vào năm 2011 cho triển lãm “Sinh ra từ đất”.

Có thể gọi Võ Trân Châu là nghệ sĩ tiên phong của tranh vải, hoặc đơm cúc mà nên tranh. Sinh năm 1986 tại Bình Thuận trong một gia đình có xưởng may mặc thủ công. Vì yêu quý và muốn giữ gìn nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, dì của Châu đã lập tổ hợp gồm ba xưởng thủ công gỗ - gốm - vải.

“Tôi nhớ hồi mình còn học phổ thông, đã lân la vào xưởng vải làm những việc vặt vãnh. Từ đó, dần trang bị cho mình những hiểu biết về chất liệu cũng như kỹ thuật. Sau này, tôi cũng tập tành vẽ mẫu mã, rồi cứ thế mà gắn bó với xưởng vải suốt mười mấy năm trời”, Võ Trân Châu chia sẻ.

Khi học tại Đại học Mỹ thuật TPHCM, Châu cho rằng bản thân rất may mắn khi được tiếp cận nghệ thuật đương đại, và có những trải nghiệm nghệ thuật đích thực. Những triển lãm sau này, như: Thác nước, Sinh ra từ đất, Neo lại kỳ lâu… đều gắn liền với thực hành nghệ thuật từ chất liệu vải.

Từ các nhà máy cũ, Võ Trân Châu luồn mũi kim xa hơn vào mảnh vải nhỏ để ghép lại thành những di sản đã vĩnh viễn biến mất. Đó là hệ thống xe điện Sài Gòn, xưởng đóng tàu Ba Son, thương xá Tax, nhà thờ Trà Cổ và trường vẽ Gia Định.

Mỗi địa điểm đều ghi lại dấu ấn trong lịch sử đất nước... mà vai trò của chúng không thể thay thế được. Dù chỉ là ngẫu nhiên, những kiến trúc ở Sài Gòn vốn gắn với ký ức của nghệ sĩ vẫn cuốn lấy cô. Những tác phẩm của Châu không hẳn nhắc nhớ về cái đã mất, mà đúng hơn là về thứ quý giá mà chúng ta không níu giữ được.

Võ Trân Châu cho rằng, tất cả sự tan biến của các di sản như một hệ quả tất yếu do việc chạy đua của xã hội. Từ những bộ quần áo theo mốt mới, vật dụng hàng hiệu, tòa nhà chọc trời hiện đại… Đó là những vòng luẩn quẩn, mà con người - khi phát triển không sóng đôi với ý chí bảo tồn cái cũ.

Nghệ thuật vì cái đẹp và vì cuộc sống, Võ Trân Châu mời gọi công chúng ngắm kỹ những bức tranh để cảm nhận thật sâu. Chứ không phải lướt qua tác phẩm, nhanh như cách mà con người đang lướt qua các di sản một cách đầy hờ hững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.