Đến với bàn thơ hay: Diệu kỳ vẻ đẹp bản em

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bài thơ “Bản em” đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, thể hiện cái nhìn tinh tế và tình yêu thiết tha của nhà thơ với bản làng.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Nhà thơ Nguyễn Thái Vận, quê ở Lâm Thao - Phú Thọ, đồng thời là nhà giáo từng dạy học nhiều năm ở tỉnh Cao Bằng. Dù qua đời khá sớm (1941 - 1991), nhưng ông đã để lại nhiều tập thơ có giá trị: “Cánh đồng của mẹ” (1977), “Lặng im tôi yêu” (1984), “Thức dậy một loài hoa” (1986)… Đặc biệt từ sau 1975, thơ Nguyễn Thái Vận từng được nhiều lần đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa tiểu học.

Bài thơ “Bản em” đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, thể hiện cái nhìn tinh tế và tình yêu thiết tha của nhà thơ với bản làng nơi mình từng gắn bó một thời.

Trước tiên, tác giả giới thiệu vị trí của bản em ở trên chóp núi cao, buổi sớm nhiều mây, thành ra như được mây nâng lên trôi bồng bềnh giữa không gian bao la. Quả là một khung cảnh thiên nhiên thần tiên, tuyệt diệu. Không những thế, bản ở rất cao so với mực nước biển, sương ở đây cũng rơi nhiều vào buổi sớm mai, đến trưa mặt trời mới xuất hiện.

Nhà thơ sử dụng nghệ thuật so sánh “sương như là mưa dội” để giúp người đọc hình dung một chút về sự khắc nghiệt của thời tiết, cái lạnh lẽo bao trùm nơi bản làng xa vắng:

Bản em trên chóp núi

Sớm bồng bềnh trong mây

Sương rơi như mưa dội

Trưa mới thấy mặt trời.

Qua bức tranh thiên nhiên ở khổ thơ đầu, tác giả giới thiệu hình ảnh bản em bằng cái nhìn chân thành, vô tư của bạn nhỏ về nơi mình sinh sống. Khác với điểm nhìn trên, khổ thứ hai lại tập trung vào hình ảnh con người, cụ thể là người lính tuần tra canh phòng biên giới. Cây pơ-mu bình yên nơi đầu dốc được tác giả tập trung so sánh với người lính biên phòng lặng im đứng gác. Tiếng ngựa hí tuần tra vang lên sống động, nhờ đó bản em vui tươi và ấm áp hẳn lên:

Cây Pơ-mu đầu dốc

Im như người lính canh

Ngựa tuần tra biên giới

Dừng đỉnh đèo hí vang.

Tuy nhiên, khổ thơ cuối bài mới là bức tranh thiên nhiên hiện lên đẹp tươi và thơ mộng nhất. Đây cũng là khổ thơ hay nhất về hình ảnh, nhạc điệu trong suốt bài thơ. Từ trên núi cao nhìn xuống thung lũng, một khung cảnh thần tiên hiện ra trước mắt với ba gam màu vàng, trắng và xanh đang điểm tô rực rỡ. Màu vàng của nắng như mật rót xuống từ trời, màu trắng của thác tung lên như một dải lụa, đặc biệt là màu xanh của lá ngô hai bên sườn non biêng biếc. Vàng nắng đi xuống, trắng thác bay lên, xanh ngô hai bên làm cho bức tranh thiên nhiên hài hòa tuyệt sắc. Không những thế, nhờ nhạc điệu ngân nga, du dương nên khi đọc những câu thơ này lên khiến tâm hồn chúng ta thêm xuyến xao, mê đắm:

Nhìn xuống sâu thung lũng

Nắng như rót mật vàng

Thác trắng tung dải lụa

Ngô xanh hai sườn non…

“Bản em” là một bức tranh được vẽ bằng ngôn ngữ, giàu tính nhạc của nhà thơ Nguyễn Thái Vận. Qua vẻ đẹp nên thơ, thanh bình từ những bản làng xa xôi của đất nước hiện lên trong bài thơ, hẳn các bạn nhỏ càng thêm yêu quý quê hương mình, đồng thời cũng thầm cảm ơn những người chiến sĩ ngày đêm tuần tra, canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.