Phạm Đương
Viếng bác Chu Thượng
mỗi ngày trăm sự kiện
bác chọn một để bình
sáu mươi còn mài bút
bốn mươi phải giật mình
vắng một góc trên báo
thấy thiêu thiếu điều gì
hóa ra bác Chu Thượng
bỏ anh em mà đi
người đi là đi mãi
chỉ để lại cái tên
trời đã tan giông gió
sao còn nghe sấm rền?
Thú thật, tôi không hề biết bác Chu Thượng là ai. Bác là nhà thơ, nhà văn hay nhà báo?
Tuy nhiên, căn cứ từ một bài thơ của nhà thơ Phạm Đương viết về bác thì có lẽ bác là một nhà báo thì phải? Một nhà báo "không phải dạng vừa". Người này chắc chắn uyên thâm, sắc sảo nhưng cũng hóm hỉnh lắm đây!
Còn về tác giả thì tôi biết rõ, Phạm Đương tức nhà báo Trần Đăng – cây bút phóng sự cực kỳ nổi tiếng của tờ Lao Động. Ngoài báo ra, anh còn là một nhà thơ xuất sắc. Thơ anh mới, hiện đại, có sự lao động công phu, nhọc nhằn trên từng con chữ. Tất nhiên, với lối thơ này thì kẻ thích, người không âu cũng là lẽ thường tình.
Mặc dù là nhà thơ luôn đi trên "con đường" hiện đại, nhưng thi thoảng anh vẫn trở về truyền thống với những bài lục bát và năm chữ "ngon lành cành đào". "Viếng bác Chu Thượng” là một trong những bài thơ như thế!
Đây, ta hãy xem cái cách anh "phác thảo" bác Chu Thượng thật độc đáo và ấn tượng:
"mỗi ngày trăm sự kiện
bác chọn một để bình
sáu mươi còn mài bút
bốn mươi phải giật mình"
Ở đây, ta thấy nhà báo thứ thiệt ngưỡng mộ nhà báo thứ thiệt cũng là lẽ đương nhiên. Người tài năng kính nể người tài năng cũng không có gì là lạ. Anh Đương viết bài thơ này vào năm 2004 - tức hồi ấy bác Chu Thượng sáu mươi còn anh thì bốn mươi xuân chẵn. Nếu còn tại thế, năm nay bác Thượng tròn 77 mùa xuân.
"vắng một góc trên báo
thấy thiêu thiếu điều gì
hóa ra bác Chu Thượng
bỏ anh em mà đi"
Phải là người có trái tim đôn hậu, biết quý thương đồng nghiệp, bậc đàn anh tài năng nên mới có được những câu thơ nỗi niềm, tinh tế và cảm động như thế! Chắc hẳn nơi suối vàng, bác Thượng cũng lấy làm vui vì khi còn ở dương gian bác đã có được một "thằng" em thật chí tình chí nghĩa.
"người đi là đi mãi
chỉ để lại cái tên
trời đã tan giông gió
sao còn nghe sấm rền?"
Vâng, cho dù bác đã về bên kia thế giới, nhưng cái tên Chu Thượng sẽ mãi còn in đậm sâu trong trái tim của anh em làng báo và bạn đọc xa, gần. Với một người cầm bút, như thế là hạnh phúc!
Những tiếng "sấm còn rền" ở đây chính là sự thương yêu, ngưỡng mộ và nể phục của đồng nghiệp đối với bậc cha chú, đàn anh - một cây bút sắc lẹm hơn dao bởi không bị bẻ cong và luôn được "mài" không ngơi nghỉ.
Những tiếng "sấm còn rền" cũng đồng nghĩa với sự ám ảnh, sợ hãi và khiếp kinh đối với một bộ phận người nào đó chuyên làm những điều xằng bậy, bất lương...
Với thể thơ truyền thống 5 chữ và một bút pháp dung dị mà cao tay, tác giả Phạm Đương đã cho chúng ta được thưởng thức một bài thơ thật hay, thật ấm áp và sâu nặng nghĩa tình.