Đến với bài thơ hay: Bức tranh mùa Xuân đa sắc màu

GD&TĐ - Mùa Xuân, từ ngàn đời đã đi vào thi ca một cách tự nhiên, dịu dàng nhất.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Anh Thơ

Chiều Xuân

Mưa bụi đổ êm êm trên bến vắng,

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Tuy mỗi nhà thơ sẽ có cách cảm nhận, cách thưởng Xuân khác nhau nhưng đều gặp nhau ở niềm yêu thiên nhiên tha thiết. Với Anh Thơ (tên khai sinh là Vương Kiều Ân), Xuân đẹp như một cô gái quê bình dị thắm sắc. Điều đó được thể hiện rất rõ trong thi phẩm “Chiều Xuân”.

Có lẽ, tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng quê hương đã tạo nên một Anh Thơ với sở trường viết về cảnh sắc nông thôn. Thơ bà “gợi được không khí và nhịp sống nơi đồng quê miền Bắc nước ta”.

Ở “Chiều Xuân” (in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam), Anh Thơ đã vẽ lên một bức tranh mùa Xuân đa sắc màu nơi làng quê thanh bình, yên ả. Tác giả giữ khoảng cách đủ gần để có thể nhìn ngắm một cách chi tiết, cảm nhận Xuân đủ đầy nhất nhưng cũng đủ xa để có thể bao quát hết được tất thảy cảnh Xuân, thu vào tầm mắt của mình một bức tranh Xuân sống động, yên bình.

Chiều Xuân, những hạt “mưa bụi” giăng giăng đổ trên “bến vắng”. Quán nước vắng người, đò biếng lười nằm gối đầu lên bến nghỉ ngơi. Dường như nhà thơ đang đứng gần đó nhìn ngắm bước chuyển của thời gian. Xuân vẫn tiếp diễn trong làn mưa bụi, và kia, hoa xoan vẫn bung nở từng chòm, rụng tím lối đi. Cảnh im lặng đến tuyệt đối. Không có những chuyến đò qua lại nơi dòng sông bên lở bên bồi, không tiếng cười nói của người lên bến xuống đò. Ta không nghe thấy một tiếng động, dù là rất khẽ nhưng dưới trời Xuân, mọi vật vẫn âm thầm chuyển động: Mưa vẫn “đổ êm êm”, nước sông vẫn trôi và hoa xoan vẫn “rụng tơi bời”.

Nhà thơ rời mắt khỏi bến nước, con đò, quán tranh mà hướng về bờ đê thân thuộc với “cỏ non tràn biếc cỏ”. Xuân tràn trề nhựa sống, Xuân tươi mát khắp không gian. Đoạn thơ thứ hai gợi lên trước mắt người đọc một không gian Xuân thoáng đãng, vừa rộng lớn, vừa gần gũi, thân thuộc. Một bờ đê trải dài với cỏ non xanh mướt đến mỡ màng. Cụm từ “cỏ non tràn biếc cỏ” có một sức gợi mạnh mẽ. Có lẽ, mưa Xuân đã giúp mọi vật trở nên tràn đầy sức sống. Cây cối tươi xanh và cỏ cũng mơn mởn hơn. Ta tưởng như có thể nghe tiếng gặm cỏ sột soạt của mấy chú trâu, chú bò đang thủng thẳng lúc lắc chiếc cổ lừng lững, đưa chiếc mõm ướt át ngốn búp cỏ non ngọt mát chứa đầy mưa bụi li ti. Thân mình của những con vật hiền lành kia cũng phủ đầy những hạt mua bụi. Bởi vậy, tác giả mới thật thà câu chữ mà viết rằng “Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”.

Chắc hẳn đối với những ai đã từng sinh ra và lớn lên từ làng quê, hoặc có thời gian đủ dài gắn bó với cảnh sắc làng quê sẽ thấy được nét quen thuộc, gần gũi nơi bức tranh thiên nhiên mà Anh Thơ gợi ra trong bài thơ. Một chiều Xuân, trên bờ đê với miên man gió nhẹ, làn mưa bụi bay bay, cỏ non xanh, đàn sáo bình thản “sà xuống mổ vu vơ”, chúng tìm bắt những con chấy, rận ẩn núp trên lưng trâu. Đó là mối quan hệ cộng sinh hợp tác cả hai đều có lợi. Chúng hiền hòa, thân thiện với nhau như bao đời nay vẫn vậy. Có lẽ, dưới tiết Xuân dìu dịu này, ngay cả đến những chú chim, những cánh bướm, hay những chú trâu, bò cũng chẳng có gì phải vội vã. Những từ láy “vu vơ”, “rập rờn”, “thong thả” đã thể hiện rõ điều đó. Mọi hoạt động như đang diễn ra thật chậm, chiều Xuân như lắng đọng trong khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, đất trời, cảnh vật.

Từ không đến có, từ thiếu vắng hình bóng con người ở khổ đầu “Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng”, đến khổ hai, người ta cũng chỉ có thể mơ hồ cảm nhận có sự hiện diện của con người qua “Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”. Nhưng con người ở đâu, như thế nào thì không ai biết được. Tác giả không nói, chỉ có người đọc liên tưởng, có thể là đám trẻ mục đồng, cũng có thể là một vài người lớn tuổi đã yên tâm để trâu bò tha hồ “thong thả” ngốn búp cỏ non trên bờ đê “tràn biếc cỏ” mà không lo sợ chúng phạm đến những cây lúa “xanh rờn”.

Đến khổ thơ thứ ba thì con người thật sự xuất hiện:

“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”.

Vẫn là cảnh Xuân dịu dàng ấy, nhưng bức tranh Xuân dường như sống động hơn với sự xuất hiện của “cô nàng yếm thắm”. Hình ảnh hoán dụ “yếm thắm” chỉ người con gái trẻ, xinh tươi. Cái giật mình bởi một cánh cò “bay vụt ra” từ ruộng lúa của cô gái đang mải miết làm việc cho thấy không gian vô cùng tĩnh lặng. Thôn nữ chuyên tâm với công việc của mình. Cảnh Xuân đẹp, thơ mộng, con người lao động bình dị trên đồng ruộng nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp, sự trẻ trung, khỏe khoắn. Hình ảnh con người cần mẫn trên đồng lúa xanh rờn hứa hẹn chỉ một thời gian nữa thôi, cánh đồng sẽ chuyển màu vàng óng những cây lúa trĩu bông. Lúa không phụ công người chăm bẵm vun trồng: “Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”.

Với “Chiều Xuân”, Anh Thơ đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu. Với màu xanh là chủ đạo làm nổi bật lên vài cánh cò trắng “chốc chốc vụt bay ra”, màu “yếm thắm” của một cô nàng đang làm cỏ lúa, màu tím của hoa xoan, nâu trầm của quán tranh, màu đen của đàn sáo, đàn trâu,...

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Bài thơ được chia làm ba khổ với ba không gian khác nhau: Bến đò, bờ đê, cánh đồng. Tưởng như chẳng liên quan gì nhưng lại tạo thành một hợp thể, một không gian chiều Xuân rộng lớn được bao trùm bởi làn mưa bụi ti ti, long lanh làm êm dịu lòng người ngắm nhìn.

Khép lại thi phẩm “Chiều Xuân”, trước mắt tôi là một bức tranh thiên nhiên làng quê tuyệt đẹp – bức tranh được tạo nên bởi chất liệu ngôn từ giản dị mà giàu sức gợi hình, gợi cảm của một tài nữ bước ra từ làng quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ