Đến với bài thơ hay: Lay thức lòng người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà báo Nguyễn Minh Nguyên là tác giả của những bài thơ viết về nghề báo, nghề của bản thân và được bạn bè đồng nghiệp yêu thích.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Minh Nguyên

Bài thơ viết từ một câu hỏi trả lời phỏng vấn

Một phóng viên hỏi Bà Thủ tướng Gan-đi:

“- Điều cần nhất ở chính khách là gì?

Gan-đi trả lời ngắn gọn:

“- Lòng thương người”.

Tôi không phải là chính khách

Đời làm báo chẳng có gì ngoài cây bút

Cố thắp lên tình thương yêu

Tôi muốn hỏi nước hỏi trời hỏi đất…

Những con chữ li ti mấy mươi năm của tôi

Đã thành hạt hạt phù sa bồi đắp

Hay phù du rác rưởi táp khắp nơi?

Tình người đôi khi sao leo lét

Tắt ngấm vào tiệc tùng

Tắt ngấm vào dửng dưng

Người làm báo thành cái cây hoang dại.

Mùa Xuân đến rồi

Khai bút xong tôi lại đi đây đó

Câu trả lời của cố Thủ tướng Ấn Độ

Vẫn nằm sâu trong đáy tim tôi

Làm bệ đỡ cho tầng tầng con chữ…

Bài “Bài thơ viết từ một câu hỏi trả lời phỏng vấn” là một trong những bài thơ đó có tứ thơ độc đáo gợi nhiều liên trưởng lay thức lòng người. Đó như là một sự tự vấn hết sức chân thành, trung thực và đầy bản lĩnh với tình yêu nghề, yêu đời, yêu người sâu sắc.

Nghề báo thường có chuyên mục phỏng vấn khá quan trọng khi đối thoại với nhân vật của mình.

Ở trong bài thơ này, tứ thơ bắt đầu triển khai từ một câu trả lời của Thủ tướng Ấn Độ Gan-đi, một chính khách nổi tiếng khi được phỏng vấn. Bà là người đã để lại một tấm gương sáng của một vị lãnh tụ với phẩm chất cao đẹp không chỉ ở Ấn Độ mà có sức lan tỏa trên khắp thế giới. Câu trả lời của bà khi được phóng viên hỏi: “Điều cần nhất ở chính khách là gì?” thật ngắn gọn cô đọng như là một minh triết về lẽ sống, một thông điệp về tình người, một ứng xử rất phương Đông: “Lòng thương người”.

Cái hay của bài thơ là sự bộc lộ chia sẽ tâm tình và cao hơn đó là sự tự thức của nhà thơ – Một người làm báo:

“Tôi không phải là chính khách

Đời làm báo chẳng có gì ngoài cây bút

Cố thắp lên tình thương yêu

Tôi muốn hỏi nước hỏi trời hỏi đất”.

Chữ “thắp” như gợi một sự nhen nhóm để tỏa sáng, “thắp” là ngọn lửa nhóm lên hy vọng với bao nhiệt huyết tấm lòng. Một sự bộc bạch thật chân thành và cao cả: “Đời làm báo chẳng có gì ngoài cây bút”. Vâng, cây bút ấy: “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ” (Sóng Hồng). Cây bút ấy cũng là thứ vũ khí của người làm báo.

Nhà thơ bỗng dồn nén tâm trạng với những: “Tôi hỏi…” với điệp khúc ba lần như là một sự thanh lọc của tâm hồn. Tôi bỗng nhớ đến bài thơ “Hỏi” khá nổi tiếng của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Tôi hỏi người – Người sống với người như thế nào?”.

Sự vận động cảm xúc của bài thơ được đẩy lên cao hơn ở cấp độ mới khi nhà thơ trăn trở với bao nỗi niềm canh cánh:

“Những con chữ li ti mấy mươi năm của tôi

Đã thành hạt hạt phù sa bồi đắp

Hay phù du rác rưởi táp khắp nơi?”

Phải thật bản lĩnh, phải thật công tâm, phải thật trung thực hết mình mới nhận ra sự thật ấy, cái sự thật mà nhà báo phải đối diện trực diện khi:

“Tình người đôi khi sao leo lét

Tắt ngấm vào tiệc tùng

Tắt ngấm vào dửng dưng”.

Đến đây ta mới càng hiểu thêm cái tự biết, tự trọng, tự hào: “Cố thắp lên tình thương yêu”. Khi có bao nhiêu sự kiện tắt ngấm với nỗi vô cảm hời hợt, tiệc tùng vô bổ đã đẩy tình người như: “Như sao leo lét”. Chính cái nhịp thơ dồn dập như những câu hỏi tự vấn mình đã đẩy đến sự tự thú: “Người làm báo thành cái cây hoang dại”. Đó như là một sự thụ động đến hoang hoải, như một cán cân nghiêng về nặng trĩu bao âu lo thảng thốt.

Và: “Mùa Xuân đến rồi” - đây có thể là mùa Xuân của đất nước, đất trời thiên nhiên hoa lá đâm chồi nảy lộc. Mà cũng có thể là mùa Xuân ươm bao nụ mầm tươi tốt, khai sáng bao hy vọng trong lòng tác giả. Một sự giao cảm khi: “Khai bút xong tôi lại đi đây đó”. “Đi” là một công việc thường trực của nhà báo. Đi để có vốn sống, để tin yêu thêm cuộc sống, để có sự giao cảm, đồng cảm trong sâu thẳm của tâm hồn người làm báo đó là “Lòng thương người” để: “Làm bệ đỡ cho tầng tầng con chữ”.

Tôi tin rằng, đây chính là bài thơ khai bút của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Minh Nguyên nói nỗi niềm bao bạn bè đồng nghiệp với bao cảm thông chia sẻ. Và đó cũng chính là bài độc thoại phỏng vấn với mình vượt qua bao cái cám dỗ đời thường để thắp lên và tỏa sáng từng con chữ: “Nằm sâu trong đáy tim người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Cùng chung tay, góp sức…

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu thuộc các cơ sở GD đại học tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024.