Đến với bài thơ hay

Đến với bài thơ hay: Bữa cơm cuối cùng của mẹ

GD&TĐ - Trong cuộc đời của mỗi con người, có biết bao giờ phút trôi qua và đi vào quên lãng, nhưng cũng có những giây phút in sâu, chạm khắc vào tâm khảm.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Lời bình của Hà Phi Phượng

Con đã thấy mẹ định phì miếng cơm như con thời nhỏ

Mẹ đã nuốt một ít nhưng môi mẹ không cười

Nụ cười cả năm rồi đi đâu mất

Mẹ quên buồn quên vui

Hờn cũng hờn rồi

Giận cũng thế thôi

Cả đời chìm vào khúc sông vào đáy bếp

Chìm vào thân phận cút côi

Mẹ buồn không ai biết

Mẹ từng nhỏ nước mắt tưới sao trời

Mẹ ăn làm chi - khi mẹ linh cảm đã bước chân vào thế giới thật khác

Những hạt cơm nằm yên trong miệng mẹ không trôi

Con nhìn thấy từng giọt sao rơi

Thấy cánh đồng vừa cõng hạt cơm vừa hát ru ngủ mẹ

Thấy đàn chim non ngoác miệng chờ bên tổ

Mẹ ngậm để sú cho chúng con dù đã cuối cuộc đời…

Lê Văn Hiếu

Đó có thể là những phút giây thật hạnh phúc như khi nhận được tấm bằng sau quãng thời gian miệt mài học tập, lúc người yêu nhẹ nắm bàn tay trao chiếc nhẫn đính hôn hay phút đón đứa con bé bỏng chào đời.

Nhưng cũng có những thời khắc trở thành kí ức đau xót, nhớ thương không thể mờ phai.

Bài thơ Bữa cơm cuối cùng của mẹ của nhà thơ Lê Văn Hiếu đã ghi lại những thời khắc như thế. Bài thơ này được tác giả viết khi anh vừa tiễn biệt mẹ rời cõi tạm, như là cách kí thác những cơn sóng cảm xúc chưa thôi va đập, chà xát tâm can.

Có lẽ người mẹ già trong bài thơ đã có thời gian dài nằm trên giường bệnh. Như cây nến leo lét cháy những giọt cuối cùng, sức mẹ đã cạn kiệt rồi, không đủ để nuốt hết miếng cơm cuối. Môi mẹ đã khô héo, không thể nở nụ cười.

Tôi hình dung, bà mẹ đang nằm bất động, gương mặt không còn tươi tắn, hơi thở mong manh… Những câu thơ thốt lên, như cắt cứa vào lòng người đọc: “Con đã thấy mẹ định phì miếng cơm như con thời nhỏ/ Mẹ đã nuốt một ít nhưng môi mẹ không cười…”.

Mẹ của anh cũng như bao người phụ nữ có cuộc đời khó nhọc, lam lũ ở mọi miền đất nước. Nhà thơ Tú Xương thuở trước từng viết về người vợ: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Người mẹ trong thơ của Nguyễn Duy cũng vậy: “Rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa”. Thì đây, người mẹ của Lê Văn Hiếu cũng trải qua biết bao khổ đau của thân phận côi cút, biết bao vất vả tảo tần của cuộc đời làm vợ, làm mẹ ở thôn quê.

Không gian của mẹ từ “đáy bếp” ra “khúc sông”, việc làm của mẹ sớm hôm lo cho chồng con chén cơm manh áo. Cuộc mưu sinh như nước lũ cuốn mẹ “chìm vào” dòng chảy, trôi cùng thời gian: “Cả đời chìm vào khúc sông vào đáy bếp/ Chìm vào thân phận cút côi”.

Khi đàn con của mẹ lớn lên mỗi người một phương, mẹ ở lại nhà, nhớ thương buồn tủi hóa thành nước mắt. Bao nhiêu đêm mẹ khóc, làm sao đếm hết trong dằng dặc đời người? Tưởng như nước mắt mẹ đủ “tưới sao trời”, hay là trời mọc sao để san sớt những giọt nước mắt mẹ âm thầm chan chứa? Bốn câu thơ tách riêng thành hai khổ, ngắt quãng bài thơ, như tiếng nấc nghẹn ngào: Mẹ buồn không ai biết/Mẹ từng nhỏ nước mắt tưới sao trời…/Mẹ ăn làm chi - khi mẹ linh cảm đã bước chân vào thế giới thật khác/Những hạt cơm nằm yên trong miệng mẹ không trôi.

Hai khổ thơ trên là tiếng lòng của nhà thơ hay tiếng nói thầm của người mẹ được nhà thơ thấu hiểu? Dường như hai linh hồn đã hòa làm một để rung lên niềm thương nỗi tủi sâu xa. Người ta nói rằng, giữa những người cùng huyết thống, có sự liên hệ kì lạ.

Sự biến động ở người này, sẽ dẫn đến xáo trộn ở người kia. Huống hồ, con là núm ruột của mẹ, tách ra từ cơ thể mẹ. Trong mỗi tế bào của con, có một phần máu thịt mẹ trao truyền.

Khi những tế bào cơ thể mẹ đang cạn kiệt sự sống, thì mỗi tế bào cơ thể con cũng nhức nhói, héo hon. “Mẹ ăn làm chi”, lời nói như hờn như tủi, đong đầy nước mắt! Đó không hẳn là thơ, mà đúng hơn, là những va đập chà xát của cơn sóng đau xót, nhớ thương!

Nhưng rồi, hình như người con không muốn mẹ buồn, không muốn mẹ thấy mình yếu đuối. Con phải là bờ vai vững chãi để mẹ tựa vào! Những câu thơ sau, nhịp thơ, lời thơ như thầm thì vỗ về mẹ: “Con nhìn thấy từng giọt sao rơi/ Thấy cánh đồng vừa cõng hạt cơm vừa hát ru ngủ mẹ”.

Trong trí tưởng tượng - mà thực ra đó là mong muốn ước ao của con - có sao trời, có cánh đồng che chở và an ủi mẹ. Con như muốn nói với mẹ rằng: Mẹ yên lòng nhé, tất cả ruột rà của mẹ, quê hương của mẹ đang ở bên người, mẹ không cô đơn!

Kết thúc bài thơ là hai câu thơ thật giàu chất tạo hình và liên tưởng, gây bất ngờ cho người đọc: “Thấy đàn chim non ngoác miệng chờ bên tổ/ Mẹ ngậm để sú cho chúng con dù đã cuối cuộc đời…”.

Đây là một phát hiện độc đáo và mang dấu ấn thơ Lê Văn Hiếu. Tôi không nghĩ anh dụng công gọt câu chữ, chọn hình ảnh, mà đó là sự nhạy cảm của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống này.

Nhưng hơn cả, là từ trong tiềm thức sâu thẳm, chính tình yêu thương sâu sắc của người con với mẹ đã giúp kết nối những hình ảnh tưởng như khác biệt vào trong một liên hệ tương đồng: Tình mẫu tử thiêng liêng.

Và tôi chợt nghĩ, đọc Bữa cơm cuối cùng của mẹ, hẳn có những người con bần thần phút giây tưởng nhớ mẹ, có những người con mong ước sớm được trở về quê nhà, ăn bữa cơm cùng mẹ, trong ấm áp yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ