Lời bình của Đặng Toán
Người làm nông, mỗi mùa vụ, từ khi bắt đầu cắm cây lúa xuống đồng là đã phải thấp thỏm, lo lắng: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, đến tận khi mà “Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”.
Người mẹ nông dân của thi sĩ Xuân Đam trong “Mẹ tôi” cũng vậy, cũng chưa có khi nào được yên lòng trước những khắc nghiệt của thời tiết, của thiên nhiên: “Đã nên hạt thóc mẩy tròn/ Còn lo chớp bể mưa nguồn mẹ ơi!”.
Không lo sao được, bởi “hạt thóc mẩy tròn” nhưng vẫn còn đang ở ngoài đồng, vẫn phải canh cánh nỗi lo sợ bị thiên tai cướp đi bất cứ lúc nào. Bởi vậy, câu thành ngữ “Xanh nhà hơn già đồng” hầu như người làm ruộng nào cũng thuộc nằm lòng mỗi khi tới kì thu hoạch.
Nhưng ở bài thơ này, tác giả không chủ đích kể với người đọc cái sự lo lắng thường trực của mẹ mình nói riêng, của người làm nghề nông nói chung như vậy.
Bởi, với một phụ nữ nông thôn không những tảo tần, chịu thương chịu khó, mà còn giỏi chịu đựng và rất mạnh mẽ như thế này: “Cầm lòng một bát cơm nâu/ Dưới chân nước cóng trên đầu mưa bay”, thì cuộc sống dù khó khăn đến mấy, thiên tai có khắc nghiệt đến mấy, chắc chắn không thể khuất phục được mẹ.
Hai câu “Mẹ tôi như nhánh mạ gầy/Hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi” là hai câu thơ hay nhất trong bài. Hình ảnh vừa giàu sức gợi, sức liên tưởng vừa ám ảnh: “Nhánh mạ gầy”, “bát cơm đầy” ngỡ là đối lập, song lại hết sức bó bện bởi mối quan hệ qua lại, nhờ cái này mới có cái kia.
Từ nhánh mạ gầy đến bát cơm đầy là cả quãng thời gian dài với bao khổ nhọc của mẹ: “Dưới chân nước cóng, trên đầu mưa bay”. Hình ảnh đời thường, dung dị nhưng ám ảnh của một thời nghèo khó qua sáng tạo tác giả đã tìm được sự đồng cảm, nỗi xót xa, cảm phục và trân trọng của người đọc trước những tảo tần, hi sinh vô bờ của người mẹ.
Song những vất vả, những gian nan đó chưa thấm tháp gì với bao thiệt thòi, bao hi sinh về đời sống tình cảm mà người mẹ của tác giả phải chịu đựng.
Trong khi tuổi xuân đang căng tràn, phơi phới như cây lúa đương thì, mẹ đã phải chịu cảnh đợi chờ mòn mỏi: “Cha đi mấy chục năm trời/ Một thời con gái mẹ tôi chờ chồng”, phải kìm nén bao khao khát đời thường: “Miếng trầu chẳng dám mặn vôi/ Sợ đôi má đỏ người đời gièm pha”.
Đấy mới thực sự là nỗi khổ, là nỗi thiệt thòi khó bù đắp đối với mẹ. Định kiến xã hội của một thời quả là ghê gớm. Lại những hình ảnh giàu liên tưởng: “Miếng trầu, đôi má đỏ” nhưng lại chứa đựng trong đó là bao nỗi xót xa, tủi phận và cả chút ấm ức khó thốt nên lời.
Tác giả đã thể hiện lòng yêu kính, cảm phục, biết ơn của mình với mẹ thông qua những phát hiện tinh tế, chắc chỉ có được ở người con thi sĩ với tâm hồn nhạy cảm, với tấm lòng cảm thông, máu thịt: “Giọt mưa đau ở hiên nhà/ Mưa trong lòng mẹ hơn là trời mưa”.
Cuối bài là những hồi tưởng của tác giả: “Tôi ngồi nhớ mẹ tôi xưa/ Mùa xuân đến sớm người chưa thấy về...”. Vẫn là câu lục bát nhuần nhuyễn, tự nhiên như một lời kể cho thấy, cuộc đời luôn có những hẫng hụt, những éo le như thế.
Làm sao có thể quay ngược lại được thời gian. Bởi vậy, nỗi nhớ thương, sự tiếc nuối luôn song hành trong cuộc sống và mỗi chúng ta cũng đành phải biết chấp nhận.
Cũng cần nói thêm một chút về cách sử dụng thể thơ cũng như bố cục của tác phẩm. Lục bát, đa phần các tác giả chia khổ bốn hoặc hai câu, thể hiện sự chậm rãi, mềm mại và da diết.
Ở “Mẹ tôi”, Xuân Đam kết cấu theo kiểu thơ liền mạch, chỉ duy nhất dấu chấm lửng (...) kết bài, tạo cảm giác cứng rắn, khá phù hợp với tâm trạng, tâm lí của nhân vật người mẹ trong tác phẩm. Bởi vậy, mỗi khi đọc lại ta không tránh khỏi cảm giác xúc động, bùi ngùi và thương cảm!