Lời bình của Nguyễn Thị Bình
Ngày xưa… xin lửa nấu cơm
Em thường mang một nắm rơm bùi nhùi
Than hồng từ bếp nhà tôi
Vung tay em thả… một trời khói xanh
Thế rồi ập đến, chiến tranh
Qua muôn lửa đạn giật giành… về đây
Bao nhiêu khuyết đổi một đầy
Đời là những cuộc trả vay… thiếu thừa
Em giờ đi sớm về trưa
Nơi đâu bươn chải nắng mưa cuộc người
Bếp xưa, dù đã xưa rồi
Nhưng hương lửa vẫn bồi hồi trong tôi
Vời trông ngọn khói cuối trời
Lửa lòng như vẫn còn rời rợi mong.
Lê Nhuệ Giang
Tác giả Lê Nhuệ Giang là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Ông đến với thơ hơi muộn. Cho đến nay ông mới xuất bản 1 tập thơ nhưng đã có thơ in trong các Tuyển tập bề thế như: Thơ viết về Mẹ (NXB Văn học); Mười thế kỷ làm thơ và đánh giặc (NXB Văn học); Tuyển tập thơ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (NXB Văn học)…
Thơ ông giàu tính triết lý, được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, được độc giả ưa thích. Từ những tập thơ ông góp mặt có thể thấy thi sĩ dành nhiều tâm tư cho đề tài chiến tranh.
Viết về chiến tranh luôn là niềm thôi thúc, trăn trở đối với những người cầm bút. Và dĩ nhiên, mỗi người đều có những cách tiếp cận đề tài này một cách khác nhau, sao cho có được những trang viết mới mẻ, chân thực, sống động nhất.
Nhà thơ Lê Nhuệ Giang cũng vậy, chọn hình tượng “Lửa” để phát triển tứ thơ, qua “Lửa… đợi”, tác giả đã tái hiện kỷ niệm tình yêu đẹp đẽ một thời. Tình yêu ấy, được thử thách qua cuộc chiến tranh ác liệt, trở thành nỗi khát khao cháy bỏng của người trong cuộc.
Bài thơ “Lửa… đợi” bắt đầu được thắp sáng bằng “lửa than, lửa rơm”: “Than hồng từ bếp nhà tôi”… Lửa ở đây được hiểu theo nghĩa đen, là vật cháy phát ra ánh sáng và nhiệt. Ngày xưa, việc sang nhà hàng xóm xin lửa là chuyện bình thường và “Em” sang tôi “xin lửa nấu cơm” cũng là chuyện thường tình.
Thế nên, hai câu thơ đầu, trước hết có ý nghĩa tả thực: “Một trời khói xanh… Vung tay em thả”, cũng chỉ là một cách nói để câu thơ thêm sinh động mà thôi.
Bên cạnh đó, ta còn có thể hiểu ý thơ theo nghĩa ẩn dụ: Ngọn lửa ở đây còn là tình yêu đầu đời mà Em “vô tư” lấy từ tâm ý của tôi. Đó cũng chính là ngọn lửa đã sưởi ấm và giúp tôi (và em) vượt qua chiến tranh với bao gian nan thử thách. Đó còn là niềm tin yêu hy vọng, để bây giờ ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ cháy nơi bếp xưa…
Từ “Lửa” thứ hai trong câu:”Qua muôn lửa đạn giật giành… về đây”, lại mang một nghĩa khác, nó nói về sự hiểm nguy, chết chóc của chiến tranh. Có thể hiểu Em (và anh) đã đi qua chiến tranh khốc liệt và may mắn trở về.
Sự may mắn của Em và Anh, được đánh đổi bằng bao hy sinh máu xương của đồng đội. Câu thơ “Bao nhiêu khuyết đổi một đầy” đã bao hàm ý nghĩa ấy. Sự so sánh “Bao nhiêu” với “một”, và cách dùng từ trái nghĩa: Khuyết - đầy càng làm nổi bật sự chênh lệch giữa được và mất ở đây.
Chiến tranh đồng nghĩa với đau thương, mất mát, khó có thể đong đếm được, từ sự chiêm nghiệm của người đã đi qua cuộc chiến, nhà thơ triết lý: “Đời là những cuộc trả vay… thiếu thừa”, nghe chân thực mà xót xa!
Nếu như 8 câu lục bát trên nói về thời gian quá khứ “Ngày xưa…”, thì 6 câu dưới lại nói về thời gian hiện tại “Em giờ…”: “Em giờ đi sớm về trưa/ Nơi đâu bươn chải nắng mưa cuộc người”, chiến tranh không chỉ là mất mát, hy sinh mà còn là nguyên nhân chia cắt tình cảm, để bây giờ “bặt” tin em.
Trở về sau chiến tranh, có thể Em cùng bao người khác, phải vất vả với mưu sinh “cuộc người”. Có thể hiểu “bươn chải” là vật lộn một cách vất vả để kiếm sống. Chỉ cần hai câu lục bát và cách dùng từ đắc địa, tác giả cũng phần nào tái hiện cuộc sống khó khăn của người may mắn trở về.
Dẫu biết cái gì đã qua không thể lấy lại được, tuy vậy, mỗi khi nhớ về kỷ niệm ấm áp ngày xưa, người thơ không khỏi bồi hồi xúc động: “Bếp xưa dù đã xưa rồi/ Nhưng hương lửa vẫn bồi hồi trong tôi”. “Lửa” xuất hiện lần thứ 3 nhưng được chuyển đổi nghĩa thành “hương lửa”. Phải chăng đó là hơi ấm, hay nói đúng hơn đó là hương vị của tình yêu?
Hai câu thơ cuối, lần thứ 4 “lửa” lại xuất hiện làm nên một cái kết đẹp đẽ cho bài thơ: “Vời trông ngọn khói cuối trời/Lửa lòng như vẫn còn rời rợi mong”. “Lửa lòng” chỉ tính chất sôi động, nóng bỏng, hừng hực khí thế trong sâu thẳm lòng người.
Câu cuối, tác giả dùng biện pháp nghệ thuật so sánh kết hợp với từ láy “rời rợi”, càng làm tăng “độ nóng” của tình cảm. Đó là sự mong nhớ day dứt kết nối sợi dây tình cảm giữa xưa và nay, tạo thành sự đồng cảm dễ lây lan.
Hình ảnh sợi khói bên trời được lặp lại hai lần ở hai thời điểm khác nhau (xưa và nay) đem đến sự liên tưởng thú vị. Khói khi “Em xin lửa nấu cơm” là “một trời khói xanh”, có độ lan rộng bao phủ, còn khói trong tưởng tượng của thi nhân chỉ là “ngọn khói cuối trời” xa tắp, mịt mù, vô định.
Như vậy, hình tượng “Lửa” trong bài thơ “Lửa… đợi” của Lê Nhuệ Giang, luôn có sự phát triển nhất quán. Đó là ngọn lửa lòng, lửa của tình yêu sưởi ấm động viên nhân vật trữ tình vượt qua những thử thách của cuộc sống. Và hơn thế, nó đã làm sáng lên ngọn “Lửa lòng” trong tâm cảm nhà thơ và trong lòng người đọc.
Bằng thể thơ lục bát ngọt ngào đằm thắm, cách dùng từ giản dị, sâu lắng, thông qua kỷ niệm đẹp “Ngày xưa”, cùng nỗi mong chờ khát khao của nhân vật trữ tình, bài thơ đã để lại dư ba trong lòng người đọc về tình cảm thủy chung như nhất, cùng khát vọng tình yêu, thật đáng trân trọng.
Tác giả Nguyễn Thị Bình nguyên là Quyền Trưởng khoa Xã hội Du lịch - Trường Đại học Hoa Lư Ninh Bình; Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả đã xuất bản được 6 đầu sách, gồm 3 tập lý luận phê bình, 3 tập thơ.
3 tập lý luận phê bình của Nguyễn Thị Bình đều đạt giải thưởng Trương Hán Siêu của tỉnh, trong đó cuốn “Dòng sông thao thiết” và “Mạch nguồn tri âm” đạt giải C của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.
Trong 3 tập thơ của Nguyễn Thị Bình, tập “Chạm vào nỗi nhớ” đạt giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2018, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi thơ “Sống khỏe sống đẹp” do Báo Người cao tuổi tổ chức.