Đến với bài thơ hay: Bàn tay mẹ

GD&TĐ - Trong mỗi gia đình, người mẹ thường là người vất vả nhất, luôn lo toan, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và mọi mặt đời sống cho các thành viên.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Bàn tay mẹ

Bế chúng con

Bàn tay mẹ

Chăm chúng con

Cơm con ăn

Tay mẹ nấu

Nước con uống

Tay mẹ đun

Trời nóng bức

Gió từ tay mẹ

Con ngủ ngon

Trời giá rét

Cũng từ tay mẹ

Ủ ấm con

Bàn tay mẹ

Vì chúng con

Từ tay mẹ

Con lớn khôn

Tạ Hữu Yên

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Xúc động trước tấm lòng và sự nhẫn nại hy sinh của mẹ, nhà thơ lớn Tạ Hữu Yên (1927 - 2013) đã viết nên bài thơ “Bàn tay mẹ”.

Thi phẩm vừa ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã phổ nhạc thành bài hát cùng tên từ những năm 70 của thế kỷ trước, được nhiều người yêu thích.

Vì sao bài thơ lại nhanh chóng đi vào lòng người đến vậy? Có rất nhiều lý do, nhờ lời thơ được âm nhạc chắp cánh một phần. Bên cạnh đó, nhan đề của bài thật giản dị nhưng giàu ý nghĩa.

Bàn tay được coi là biểu tượng của lao động chân tay có tính sáng tạo ở con người. Bàn tay cũng là bộ phận biểu lộ rõ nhất tình yêu thương và sự âu yếm. Viết về một đề tài bình dị nhưng tình cảm chân thực, hình ảnh gần gũi, gợi cảm, có sức biểu đạt và khái quát cao là thành công đầu tiên của tác giả.

Mặt khác, nhà thơ đã chọn thể thơ tự do, đan xen giữa câu ba và bốn âm tiết, tạo nên nhịp 3/3 và có một cặp câu nhịp 3/4 rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Mở đầu bài, tác giả đã hoá thân vào nhân vật người con, từ điểm nhìn của người con mà kể ra những công việc của mẹ hằng ngày: “Bàn tay mẹ/ Bế chúng con/ Bàn tay mẹ/ Chăm chúng con”.

Lời thơ chân thật nêu nhận xét chung về bàn tay của mẹ và những việc thường ngày mẹ quen làm. Có ai trong chúng ta không được mẹ sinh ra, cho bú mớm, bế ẵm, ôm ấp, nựng ru, vỗ về, chăm sóc?

Những câu thơ tiếp có ý nghĩa minh hoạ cụ thể sự quan tâm, “chăm chúng con” của mẹ mỗi bữa sớm, trưa, chiều tối: “Cơm con ăn/ Tay mẹ nấu/ Nước con uống/ Tay mẹ đun”. Nói đến cơm ăn và nước uống là nói đến những nhu cầu thiết yếu nhất con người cần tiếp nhận trong đời sống hằng ngày để sinh tồn và phát triển.

Những thứ ấy đều do “tay mẹ nấu”, “tay mẹ đun” mỗi ngày, nắng cũng như mưa, trưa cũng như tối. Tình yêu thương con khiến mẹ làm việc chẳng biết mệt mỏi hay phàn nàn kêu ca.

Không chỉ chăm lo cho con bữa ăn, mẹ còn chăm lo cho con giấc ngủ. Những khi “Trời nóng bức”, tay mẹ làm nên gió, (hồi ấy chưa có điện) bàn tay mẹ dùng quạt mo hay quạt nan quạt liên tục để cho “Con ngủ ngon” hằng đêm và mơ những giấc mơ đẹp.

Ngược lại, khi mùa đông về “Trời giá rét/ Cũng từ tay mẹ/ Ủ ấm con”. để con được ngủ yên giấc, ăn ngoan, mau lớn, sống an lành.

Bài thơ khép lại bằng những câu giàu sức khái quát: “Bàn tay mẹ /Vì chúng con/ Từ tay mẹ/ Con lớn khôn”. Bởi đứa con là tài sản vô giá, là lẽ sống và hy vọng lớn nhất của đời mẹ. Mọi suy nghĩ việc làm của mẹ đều tất cả vì con.

Điều đáng chú ý trong phần thơ là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất có sự thay đổi từ “con” số ít, chỉ chủ thể trữ tình tác giả sang “chúng con”, số nhiều, chỉ chung mọi người con. Sức khái quát của cảm xúc thơ được nâng cao và mở rộng hơn rất nhiều.

Ngoài sự quan tâm chăm sóc cho con, mẹ còn làm bao việc lớn nhỏ khác nữa để mưu sinh, tạo dựng cho gia đình và cuộc sống. Vì tương lai của các con, mẹ chẳng ngại bất cứ việc gì.

Trong bài hình ảnh thơ trong sáng, cảm xúc chân thực; điệp từ “tay mẹ”, “con” thật đăng đối, hài hoà càng chứng tỏ thơ Tạ Hữu Yên dung dị, hàm súc, tài hoa, giàu nhạc điệu, gần gũi với cuộc sống con người. Bài thơ đã được phổ nhạc thành bài hát cùng tên, Thi phẩm và ca khúc đã và sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.