Phát triển đô thị, xả nước thải công nghiệp chưa xử lý, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp hiện đang gây ra những áp lực không ngừng đối với các lưu vực sông.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Dù ở bất cứ châu lục nào, nước cũng có tầm quan trọng như nhau đối với đời sống con người và phát triển kinh tế, nhưng mức độ, cách thức ứng xử là khác nhau. Người Việt Nam chúng ta đang lãng phí về nước, chưa coi là nguồn tài nguyên đặc biệt".
Đến 2030, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng theo số lượng, Việt Nam phải đối mặt với thách thức an ninh nước. Nước không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Vậy mà Việt Nam hiện là một quốc gia “nghèo” về nước nhưng lại sử dụng lãng phí, không hiệu quả”.
Tỉ lệ các doanh nghiệp gặp sự cố thiếu nước theo vùng. |
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với các hệ thống thoát nước. Nhưng cũng chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt được xử lý, chưa kể đến lượng nước thải không qua xử lý từ các nhà máy nằm ngoài các khu công nghiệp. Điều này gây tổn hại lớn tới chất lượng nước và hệ sinh thái liên quan.
Thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam về hiệu quả sử dụng nước còn thấp, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp và thủy sản, vốn chiếm tới 92% tổng lượng nước tiêu thụ toàn quốc.
Mức độ gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng nước sẽ gây ra căng thẳng về nguồn tài nguyên nước vào mùa khô tại 11/16 lưu vực sông ở Việt Nam.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh về nhu cầu sử dụng nước ở nhiều ngành khác nhau ngày càng tăng, trong bối cảnh chất lượng nước ngày một kém đi. Bên cạnh đó, tác động biến đổi khí hậu làm cho các thách thức về nước càng trầm trọng hơn và càng đặt ra nhu cầu quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.
Nước là đầu vào thiết yếu của hầu hết các ngành kinh tế và hơn 80% doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào nguồn nước sạch do các công ty cung cấp. Thế nhưng, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 27% doanh nghiệp gặp sự cố thiếu nước sản xuất, phải chi trả khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi năm để duy trì hoạt động.