Làm thế nào để không dạy bơi trên... giấy

GD&TĐ - Tham gia thực tế đào tạo, huấn luyện cho các GV dạy bơi trong nhà trường, tập huấn viên Nguyễn Văn Lưu (Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Sơ cấp cứu Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng) cho rằng, sâu xa để thực hiện mục tiêu dạy bơi trong nhà trường vẫn là vấn đề nhận thức của phụ huynh, HS, GV, lãnh đạo nhà trường và toàn xã hội.

Dạy bơi và thực hành dưới nước.
Dạy bơi và thực hành dưới nước.

- Sau thời gian thực hiện chương trình, hoạt động dạy bơi cho HS, chắc hẳn ông có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ?

Không chỉ nhà trường nỗ lực dạy bơi, nhiều cá nhân và tổ chức phi chính phủ cũng tìm mọi cách để khuyến khích và hỗ trợ dạy bơi cho HS. Việc xây dựng hồ bơi cố định hay đầu tư bể bơi di động cho trường học chi phí cao, nhiều trường học không thể thực hiện.

Bởi vậy, một số tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ việc dạy bơi cho HS ở những vùng khó khăn không có điều kiện làm bể bơi trong trường.

Nhiều hoạt động dạy bơi rất sáng tạo và hiệu quả đã được nhiều trường học ở một số địa phương thực hiện. Trong đó, một cách thức không tốn kém chi phí là cho đóng cọc, quây, giăng lưới và neo từ mặt nước xuống đáy ở ven sông, với phạm vi từ bờ ra ngoài sông khoảng 10m, chạy dọc song song với bờ khoảng 20m, hình thành một khu vực an toàn để dạy bơi cho trẻ.

Mỗi một “bể bơi” thiên nhiên như vậy có thể dạy bơi cùng lúc 10 - 20 HS, có GV dạy bơi, nhưng yêu cầu phụ huynh có con em học bơi cùng tham gia hướng dẫn và giám sát HS.

Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã và đang hỗ trợ hồ bơi di động cho trường học. Tại Đà Nẵng, đến nay 100% các trường tiểu học có bể bơi xây cố định và bể di động. Việc dạy bơi cho HS ở Đà Nẵng đã được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố, HS lớp 5 ra trường phải biết bơi và có chứng chỉ bơi.

Một số địa phương cũng đã vận động xã hôi hóa và tổ chức nhiều khu vui chơi có bể bơi, để thu hút sự tham gia của HS, hoặc vận dụng bờ sông, ven biển rào lưới và tổ chức dạy bơi.

Sử dụng mặt nước sông, mặt nước biển để dạy bơi cho HS là cách mà nhiều trường học không có bể bơi và địa phương áp dụng rất hiệu quả.

Thực tế có những trường học ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có khả năng đầu tư bể bơi, biện pháp được áp dụng để có thể dạy bơi cho HS là dùng những bao cát đắp thành bờ, phủ bạt, bơm nước vào “bể bơi” tự tạo và dạy bơi cho HS.

Chuyên gia Nguyễn Văn Lưu (giữa) hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên nòng cốt về dạy bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em
Chuyên gia Nguyễn Văn Lưu (giữa) hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên nòng cốt về dạy bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em

- Điều kiện tối thiểu để phổ cập bơi cho HS đang rất khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, nhiều nhà trường, nhiều địa phương đã tìm cách xã hội hóa việc dạy bơi cho HS. Đồng thời, cũng có nhiều doanh nghiệp tâm huyết với việc đầu tư dạy bơi cho HS. Bể bơi di động cho trường học đã được doanh nghiệp thiết kế, sáng tạo, sản xuất trong nước và lắp đặt với giá hợp lý, giảm được chi phí nhập khẩu đắt đỏ từ nước ngoài. Đầu tư bể bơi và việc dạy bơi để đạt mục tiêu tất cả HS đều biết bơi, khó khăn nhất vẫn là chi phí vận hành.

Một bể bơi tối thiểu đạt chuẩn để có thể dạy bơi cho HS phải có chiều rộng 6m, chiều dài 10m, như vậy một bể phải rộng 60m2 tương đương chứa khoảng 600m3 nước. Nếu sử dụng nước máy thì riêng tiền nước đã rất lớn. Đó chính là một trong những vấn đề ngành GD và các trường học vướng và khó khi triển khai dạy bơi cho HS.

Để chủ trương dạy bơi trong trường học đạt được mục tiêu, GV dạy bơi yên tâm và dành hết tâm huyết cho công việc, không chỉ cần sự năng động của nhà trường, mà còn phải có sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền về chủ trương và hành động, sự tham gia tích cực của phụ huynh.

Khó khăn đầu tiên với vấn đề dạy bơi trong nhà trường chính là nguồn lực, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Làm bể bơi cố định thì quá tốn kém. Còn sử dụng bể bơi di động cũng đòi hỏi chi phí cho tháo và lọc nước vượt khả năng của các nhà trường.

Có đơn vị trường học đã thực hiện sáng kiến kinh nghiệm, giải quyết được chi phí cho bể bơi di động, chẳng hạn như cho hút nước trong bể bơi ra để giảm chi phí lọc nước.

Bên cạnh chi phí xây dựng, làm bể bơi; khó khăn khác chính là chi phí vận hành hoạt động của bể bơi; thêm nữa là vấn đề thù lao cho GV dạy bơi. Nếu GV dạy thể dục trong trường học chỉ ăn lương làm việc chính khóa thì khó mà bắt họ xuống dạy bơi ngoài giờ học cho HS.

Dù GV có tâm huyết, có nhiệt tình mà không tính thù lao dạy ngoài giờ thì họ cũng không bao giờ làm nổi, cuối cùng thì GV cũng chỉ “đứng trên bờ” dạy bơi, còn hậu quả là HS vẫn có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bơi, nhưng bơi không được.

- Từ thực trạng đó ông có đề xuất giải pháp để các trường thực hiện phổ cập bơi cho trẻ đạt hiệu quả?

Hầu hết các nhà trường không có khả năng để chi trả được toàn bộ các chi phí cho hoạt động dạy bơi. Nhiều khoản kinh phí phải trông chờ vào xã hội hóa. Một số trường đã triển khai rất tốt việc xã hội hóa và nhận được sự ủng hộ.

Chẳng hạn, có trường vận động phụ huynh hỗ trợ một phần chi phí nhỏ để HS có thể học bơi tại trường, thay vì phụ huynh tự cho con đi học bơi bên ngoài tốn kém hơn nhiều.

Thực tế trong dạy bơi, nhà trường nói riêng và ngành GD nói chung không thể kham được hết chi phí. Thực tế nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em học bơi thường sẵn sàng đóng học phí.

Mặt khác, để tránh lạm thu, HS tham gia học bơi theo chương trình ở trường chỉ đóng góp một khoản tiền nhỏ, chủ yếu để hỗ trợ phần kinh phí bồi dưỡng cho GV dạy bơi ngoài giờ, chi phí bảo quản, vận hành, duy tu bể bơi.

Nếu nhà trường năng động, sáng tạo và có sự hỗ trợ nhiệt tình của phụ huynh, cùng các tổ chức, cá nhân ngoài ngành GD, chắc chắn vẫn có thể xã hội hóa chi phí dạy bơi mà không để khoản này trở thành lạm thu.

Vấn đề ở đây còn tùy thuộc vào nhận thức của phụ huynh, các cấp chính quyền và xã hội. Việc xây và làm bể bơi trong trường học, cũng như vấn đề dạy bơi cho HS, nếu có nhận thức đầy đủ, giải quyết được bức xúc trong phụ huynh và xã hội thì hoàn toàn có thể thành công.

Chi phí cho hoạt động dạy bơi trong nhà trường rất lớn, nhưng nếu có cách làm hợp lý và sáng tạo thì có thể thực hiện được. Điều này đòi hỏi quyết tâm của cả trong và ngoài nhà trường, trong và ngoài ngành GD. Một mình nhà trường, một mình ngành GD không thể giải quyết được.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ