Đem sách đến học sinh xứ cù lao

GD&TĐ - Những ngày hè, học sinh xứ cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vẫn hăm hở đến trường để đọc sách trong tủ sách thiếu nhi.

Trẻ say mê đọc sách.
Trẻ say mê đọc sách.

“Nuôi dưỡng” văn hóa đọc

Do điều kiện địa lý cách trở nên cù lao Tân Lộc “đơn độc” giữa dòng sông Hậu, để đến cù lao phải lụy đò ngang. Chính vì thế, các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi trên cù lao có phần hạn chế. Trên xứ cù lao, Trường Tiểu học Tân Lộc 5 được xem là “em út” trong số các trường tiểu học, khi chỉ mới thành lập từ tháng 11/2021. Thế nhưng, những ngày hè này, ngôi trường luôn nhộn nhịp học sinh lui tới đọc sách.

Tủ sách thiếu nhi Trường Tiểu học Tân Lộc 5 là món quà của Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Cần Thơ trao tặng, từ các nguồn vận động xã hội. Đều đặn đến trường đọc sách, em Nguyễn Hồng Linh Chi (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tân Lộc 5) chia sẻ: “Trước kia, mỗi lần muốn đọc sách, em sẽ đi phà đến nhà sách ở Trung tâm quận Thốt Nốt tìm đọc. Có đôi lần em được cha mẹ mua cho. Nhưng do việc đi lại khó khăn, nên rất lâu em mới được dẫn đi một lần. Từ khi trường có tủ sách, trong thời gian nghỉ hè, em và các bạn thường xuyên đến đọc”.

Linh Chi thường đọc các sách giáo dục lòng biết ơn, gương hiếu thảo vâng lời cha mẹ, truyện cổ tích, những tấm gương học tập trong cuộc sống... Sách giúp em thêm kiến thức về cuộc sống, rất có ích trong học tập.

Cùng yêu thích đọc sách, em Nguyễn Thanh Thùy (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tân Lộc 5) chọn một góc ngồi say mê đọc từng trang sách. Thanh Thùy cho hay, sách khá đắt tiền nên lâu lâu mẹ mới mua. “Từ khi nhà trường có tủ sách, em thường đến đọc trong giờ ra chơi, hay ngày nghỉ. Em học được nhiều điều hay như muốn học giỏi phải cố gắng chăm chỉ, siêng năng. Đi học về thì phụ cha mẹ việc nhà và ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn”, Thanh Thùy bày tỏ.

Nhà ở cù lao nên mỗi khi con muốn đọc sách, chị Trần Thị Âu buộc phải nghỉ 1 buổi hoặc 1 ngày làm việc để đưa con đi nhà sách, siêu thị (có bán sách). Thậm chí, có lúc chị phải đi tới TP Long Xuyên (An Giang) mới tìm mua được sách phù hợp lứa tuổi của con. “Ngày nay, trẻ em thường xem điện thoại, nhiều nội dung không thể kiểm soát hết. Tủ sách của nhà trường đã cung cấp kiến thức lành mạnh cho các em. Bản thân tôi yên tâm, ủng hộ hết lòng. Nếu có sách cũ tôi sẽ quyên góp để tủ sách ngày một đa dạng”, chị Âu bộc bạch.

dem sach den hoc sinh xu cu lao (2).JPG
Giáo viên quan tâm hỗ trợ học sinh đọc sách tại tủ sách trong dịp hè.

Mở cửa thư viện hè

Chia sẻ thông tin về tủ sách, thầy Nguyễn Văn Thương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lộc 5, cho rằng, tủ sách đến với nhà trường đúng lúc. Bởi khi mới thành lập, trường vẫn chồng chất khó khăn. “Nếu không được tặng, tôi nghĩ học sinh sẽ phải đợi thêm. Khi có tủ sách, chúng tôi bố trí ngay không gian thoáng mát cho các em vào đọc. Cùng đó, bố trí giáo viên hỗ trợ quan sát, nắm tình hình học sinh thích loại sách nào để bổ sung”, thầy Thương nói.

Số lượng sách ban đầu là 500 quyển, đến nay đã nâng lên hơn 850 đầu sách. Sách đa dạng thể loại, nội dung về văn học, lịch sử, danh nhân văn hóa, giáo dục giới tính, truyện tranh, tâm lý học đường, phát minh khoa học, tổng hợp…

Theo thầy Thương, với học sinh vùng quê, ban đầu ngồi đọc sách là việc khá khó khăn, nhưng nay đã thành thói quen. Giờ ra chơi, các em đến đọc sách rất đông, có ngày không còn chỗ ngồi. Nhà trường có câu lạc bộ võ, cờ vua học trái buổi nên giờ nghỉ giải lao các em cũng tranh thủ qua thư viện đọc sách. Nắm bắt nguyện vọng của học sinh, những ngày hè, nhà trường vẫn chia ca trực thư viện 3 buổi/tuần.

Tuy vất vả nhưng thầy cô ấm lòng khi thấy học trò chăm đọc sách. Đây là điều đáng quý trong bối cảnh văn hóa đọc đang dần mai một. Đặc biệt, điều kiện nhà sách và điểm vui chơi cho thiếu nhi ở cù lao còn thiếu thốn. “Nhìn học trò chăm chỉ đọc sách, thầy cô thầm cảm ơn các bạn thanh niên tình nguyện, nhà tài trợ đã mang đến món quà ý nghĩa, giúp các em trong giai đoạn trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất”, thầy Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Theo cô Lê Thị Thu Trang (giáo viên nhà trường), qua hoạt động tủ sách văn hóa đọc của học sinh dần lan tỏa. Giáo viên nhà trường thường xuyên tổ chức những chương trình bổ ích nhằm khơi gợi tình yêu sách đến với học sinh. Thời gian qua, trường đã duy trì giờ sinh hoạt dưới cờ. Mỗi tuần có 1 lớp phụ trách tuyên truyền về câu chuyện đẹp, tấm gương sáng, quyển sách hay. Riêng chủ đề “Sách hay: Mắt thấy - tai nghe” gắn với sưu tầm, quyên góp sách và trả lời câu hỏi có thưởng để kích thích sự tham gia của học sinh. Nhà trường còn phối hợp để các em quen dần với sách điện tử, đọc trên máy vi tính.

“Từ kiến thức trên trang sách đã tạo ra thay đổi, giúp các em hình thành kỹ năng tự học và biết nhiều kỹ năng sống. Giờ đây, những giờ học trên lớp trở nên thú vị, không khí học tập, tương tác xây dựng bài của các em sôi nổi hơn”, cô Lê Thị Thu Trang bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm

'Phép màu' cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Mỗi ngày đến lớp, các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An lại miệt mài, thầm lặng tạo nên những “phép màu”.

Minh họa/INT

Giải pháp đột phá giải ngân vốn

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 115/CĐ-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn.