Cần tăng mức xử phạt với KOL, người nổi tiếng nếu quảng cáo 'lố'

GD&TĐ - Thời gian qua, không ít nhà sản xuất sữa và người nổi tiếng bị tố quảng cáo 'thổi phồng' công dụng sản phẩm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn mới đây phát đi thông tin dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hapomil, đồng thời thu hồi toàn bộ sản phẩm để trả lại nhà cung cấp.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn mới đây phát đi thông tin dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hapomil, đồng thời thu hồi toàn bộ sản phẩm để trả lại nhà cung cấp.

Trong bối cảnh này, vấn đề được nhiều người quan tâm là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi quảng cáo “lố”. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal về vấn đề này.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

- Nhà sản xuất quảng cáo sai sự thật có thể đối mặt với trách nhiệm pháp lý nào, thưa luật sư?

- Trước hết, có thể xác định, việc nhà sản xuất quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo - căn cứ theo Điều 8 của Luật Quảng cáo năm 2012.

Mặt khác, hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm cũng là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Tùy theo tính chất và mức độ, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý. Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm từ 60 đến 80 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm (gấp 2 lần cá nhân) là từ 120 đến 160 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5 - 7 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; Buộc cải chính thông tin.

Nếu người tiêu dùng bị thiệt hại do tin vào quảng cáo sai sự thật, thì họ có quyền yêu cầu đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Các khoản thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí y tế; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; bù đắp tổn thất về tinh thần…

Trong trường hợp nghiêm trọng, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Trường hợp này, mức xử phạt là từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

- Nhiều người nổi tiếng bất chấp lợi nhuận, quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Hiện, pháp luật Việt Nam có quy định nào đối với trường hợp người nổi tiếng, KOL quảng cáo sai sự thật không, thưa ông?

- Người nổi tiếng, KOL hay bất cứ người nào khác quảng cáo sản phẩm, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam, thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Những người này nếu câu kết với nhà sản xuất, các nhãn hàng có hành vi quảng cáo sai sự thật, thì sẽ phải liên đới chịu các hình thức xử lý về hành chính, dân sự hoặc thậm chí là hình sự như ở trên tôi đã phân tích.

Có chăng, với tư cách là người có ảnh hưởng tới xã hội, tới cộng đồng, hệ lụy sẽ lớn hơn so với trường hợp thông thường. Do đó, khi xử lý hành vi vi phạm, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm thì mức xử phạt đương nhiên sẽ phải cao hơn so với trường hợp thông thường khác.

Ngoài ra, những người vi phạm sẽ tạo ra hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới chính uy tín, hình ảnh cá nhân của họ. Theo chiều hướng ngược lại, cộng đồng và xã hội, các nhãn hàng làm ăn chân chính có thể sẽ “tẩy chay” hoặc ngừng hợp tác thương mại đối với những người này.

Ý thức, trách nhiệm tạo nên thị trường lành mạnh

bat-nhao-quang-cao-sua.jpg
Luật sư Lại Ngọc Thanh. Ảnh: NVCC

- Việc quảng cáo sai công dụng sản phẩm có thể gây ra hệ lụy thế nào, thưa ông?

- Quảng cáo sai công dụng sản phẩm không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội, người tiêu dùng và cả doanh nghiệp.

Trước hết, quảng cáo sai có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đương nhiên, số tiền bỏ ra để mua sản phẩm trong trường hợp này không hề tương xứng với chất lượng, hiệu quả và công dụng do sản phẩm mang lại.

Bên cạnh đó, khi quảng cáo sai sự thật bị phát hiện, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào toàn bộ ngành hàng, không chỉ riêng một nhãn hiệu. Doanh nghiệp dù làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng uy tín, mất thị phần. Từ đó, gây ra làn sóng tẩy chay thương hiệu, ảnh hưởng đầu tư, hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, người nổi tiếng cũng sẽ mất uy tín, sự nghiệp bị ảnh hưởng do quảng cáo sai sự thật.

Quảng cáo sai công dụng sản phẩm không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội. Việc kiểm soát chặt chẽ quảng cáo và nâng cao nhận thức người tiêu dùng là rất cần thiết.

- Trong quá khứ, không ít người nổi tiếng từng xin lỗi sau khi bị “tố” quảng cáo “lố”. Ông có thể đề xuất một số giải pháp để “siết chặt” tình trạng người nổi tiếng cũng như nhãn hàng “nổ” quảng cáo?

- Theo tôi, để hạn chế tình trạng người nổi tiếng và nhãn hàng quảng cáo “lố”, sai sự thật, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa pháp luật, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng.

Trước hết, cần hoàn thiện và “siết chặt” quy định pháp luật. Cụ thể, cần ràng buộc rõ hơn trách nhiệm pháp lý của KOL, người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, nhất là khi họ nhận thù lao hoặc hưởng lợi từ nhãn hàng (cần thiết thì có hẳn quy định riêng để áp dụng đối với những người này). Tăng mức phạt hành chính và dân sự khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Có thể xem xét cấm quảng cáo trong thời gian nhất định với người vi phạm nhiều lần hoặc ở mức độ nghiêm trọng.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh. Trong đó, cần có một kênh tiếp nhận tố cáo riêng về quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên môi trường số. Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan chức năng trong việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Xử lý mạnh tay, công khai các trường hợp vi phạm để răn đe.

Song song với đó, các nghệ sĩ, KOL nên tự trang bị kiến thức cơ bản về luật quảng cáo, sản phẩm được nhận quảng bá. Trước khi nhận quảng cáo, cần yêu cầu nhãn hàng cung cấp tài liệu chứng minh công dụng, hoặc đối chiếu với giấy phép/quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm xã hội, tránh vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi uy tín, danh tiếng cá nhân lâu dài.

Phía doanh nghiệp, nhãn hàng cần chủ động rà soát nội dung quảng cáo, không “đổ hết trách nhiệm” cho KOL hay công ty truyền thông. Cần ký hợp đồng rõ ràng về nội dung quảng bá, kèm điều khoản xử lý nếu thông tin sai sự thật.

Việc siết chặt tình trạng “quảng cáo lố” không thể chỉ trông chờ vào một phía, mà cần cả hệ thống cùng vào cuộc. Khi cả pháp luật, doanh nghiệp, người nổi tiếng và người tiêu dùng cùng có ý thức và trách nhiệm, thị trường mới lành mạnh và bền vững hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo luật sư Lại Ngọc Thanh, yếu tố quan trọng khác là nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Tăng cường giáo dục truyền thông, giúp người tiêu dùng hiểu rằng, quảng cáo chỉ là thông tin tham khảo, không thay thế lời khuyên y tế hay khoa học. Khuyến khích người tiêu dùng tố giác hành vi quảng cáo sai sự thật, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ