Đề xuất nhân văn

GD&TĐ - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 -2023; đồng thời lùi lộ trình tăng học phí các cấp học, từ bậc mầm non đến đại học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thông tin này trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của dư luận xã hội. Thực tế, trước đây đã có nhiều ý kiến đề nghị chưa nên tăng học phí trong năm học tới. Ngay tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề xuất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học 2022 - 2023, bởi trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Nói như đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương), cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất để học sinh được đến trường, phát triển toàn diện. Vì thế, việc tạm thời chưa tăng học phí sẽ phần nào giúp đời sống của người dân đỡ khó khăn hơn. Suy cho cùng, đó cũng là chính sách nhân văn, tạo điều kiện cho học sinh trên cả nước vui bước đến trường.

Có thể nói, đề xuất của Bộ GD&ĐT về chính sách học phí xuất phát từ thực tiễn khách quan, trên hết là từ tâm tư, nguyện vọng của đại đa số phụ huynh, học sinh. Đây được coi là một trong những đề xuất có tính nhân văn, hợp tình, hợp lý và có tính khả thi cao.

Chẳng hạn như, với giáo dục mầm non, Bộ kiến nghị: Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021 - 2022 thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao UBND trình Hội đồng nhân dân cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2022 - 2023.

Từ năm học 2023 - 2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm. Đáng chú ý, Bộ đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho 100% học sinh THCS từ năm học 2022 – 2023.

Đối với giáo dục đại học, Bộ kiến nghị lùi thời gian thực hiện khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thêm 1 năm. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81). Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương làm việc với bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023. Thực tế, có một số địa phương đã miễn hoàn toàn học phí, một số nơi cũng cân nhắc các mức thu trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định. Hy vọng, các trường đại học và địa phương sẽ coi kiến nghị, đề xuất của Bộ là cơ sở để thực hiện điều chỉnh về học phí cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ