Đề xuất giám sát chặt chẽ hoạt động học tập của giáo viên đại trà

GD&TĐ - Các giáo viên cốt cán đề xuất giám sát hoạt động học tập của giáo viên đại trà chặt chẽ hơn, đồng thời chú ý hỗ trợ với thầy cô cốt cán ở vùng khó khăn. 

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Đây là thông tin được công bố trong nghiên cứu “Vai trò của giáo viên cốt cán” được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phát triển năng lực các trường đại học sư phạm.

Nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của giảng viên trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP, thành viên Ban Quản lý Chương trình ETEP dưới sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế từ trường Đại học Birmingham City (Anh quốc).

Các kết quả ban đầu của nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo quốc tế “Marginalized voices in contemporary times: Addressing inequities through professional learning and learning” Hiệp hội Phát triển nghề nghiệp quốc tế (IPDA). Các kết quả này tiếp tục được hoàn thiện để đăng tải trên Tạp chí quốc tế Practice: Contemporary Issues in Practitioner Education số đặc biệt về Bồi dưỡng giáo viên Việt Nam, dự kiến xuất bản năm 2022.

Cùng với đề xuất trên, giáo viên cốt cán cũng mong muốn nhận được sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống của các cấp lãnh đạo và nhà trường; nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường trong các hoạt động.

Liên quan đến nhận thức về vai trò của giáo viên cốt cán, kết quả nghiên cứu cho thấy: Ban đầu giáo viên cốt cán chưa nhận thức rõ về vai trò, nhiệm vụ; song qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ đã dần hiểu công việc, trách nhiệm của mình. 

Giáo viên cốt cán nhận thấy mình có ba vai trò chính. Thứ nhất: Hỗ trợ đồng nghiệp trong phát triển chuyên môn cho giáo viên. Trong vai trò này, nhiệm vụ của họ rất đa dạng như: Hỗ trợ, đôn đốc, nhắc nhở giáo viên đại trà hoàn thành nhiệm vụ học tập trên LMS, trả lời các câu hỏi của giáo viên đại trà, hướng dẫn xử lý các vấn đề kỹ thuật trên LMS; thực hiện sinh hoạt chuyên môn tại trường/cụm trường, dự giờ, dạy mẫu…

Thứ hai: Tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục trong tổ chức các hoạt động chuyên môn và phát triển chuyên môn cho giáo viên. 

Thứ ba: Vai trò “cầu nối” giữa giảng viên sư phạm chủ chốt với giáo viên đại trà. 

Trong thực tiễn, giáo viên cốt cán đã đề xuất nhiều ý tưởng đổi mới và phát huy tốt vai trò tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các thuận lợi của giáo viên cốt cán. Đó là sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới;  ủng hộ của lãnh đạo nhà trường; bản thân giáo viên cốt cán có uy tín cá nhân và kinh nghiệm dày dặn, hiểu rõ đặc điểm của giáo viên đại trà ở địa phương mình; giáo viên đại trà có trách nhiệm, tích cực tham gia học tập và có tinh thần hợp tác.

Bên cạnh thuận lợi, khó khăn của giáo viên cốt cán gặp phải là một số giáo viên đại trà chưa hiểu rõ yêu cầu của đổi mới giáo dục nên chưa tích cực, tự giác tham gia bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp.  Giáo viên đại trà hiện nay bận nhiều công việc nên chưa thể dành thời gian đầy đủ cho việc học tập.

Bên cạnh đó, bản thân giáo viên cốt cán bận rộn với công việc hiện tại ở trường, khối lượng công việc nhiều. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên cốt cán chưa thoả đáng và đồng bộ giữa các địa phương. Các thầy cô giáo cốt cán ở vùng khó khăn cũng có những khó khăn đặc trưng riêng…

Nghiên cứu “Vai trò của giáo viên cốt cán” cũng cho thấy những thay đổi trong bản thân giáo viên cốt cán. Cụ thể, giáo viên cốt cán nhận định những thay đổi tích cực đối với bản thân mình về năng lực phát triển nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, uy tín. Giáo viên cốt cán là người đầu tiên tiếp thu những ý tưởng đổi mới và cũng là người tiên phong trong thực hiện đổi mới giáo dục. 

Nghiên cứu “Vai trò của giáo viên cốt cán” tuân thủ chặt chẽ các quy định đạo đức nghiên cứu và được Trường Đại học Birmingham City phê duyệt thực hiện. Phương pháp được sử dụng là nghiên cứu định tính, chủ yếu là phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ