Bốn mô đun gồm: “Tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông 2018” “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”; Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT.
Sau gần 1 tháng bồi dưỡng, gần 300 cán bộ, giáo viên cốt cán tại Hà Tĩnh đã hoàn thành mô đun 4 trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).
Trước đó, các thầy cô cốt cán đã hoàn thành ba mô đun bồi dưỡng. Ba mô đun này, sau khi tự học trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) ít nhất là 5 ngày, các thầy cô được bồi dưỡng trực tiếp bởi các giảng viên sư phạm chủ chốt của trường ĐH Vinh.
Chia sẻ về các nội dung của chương trình bồi dưỡng, giáo viên cốt cán tại Hà Tĩnh đều nhận định các nội dung bồi dưỡng đều thiết thực và ý nghĩa.
Tại huyện Thạch Hà, trong đợt bồi dưỡng vừa qua có 24 cán bộ, giáo viên cốt cán cấp tỉnh tham gia bồi dưỡng. Trong đó có 8 giáo viên THCS và 16 giáo viên Tiểu học.
Theo Nhà giáo Ưu tú Phan Công Hùng (GV bộ môn Toán, trường THCS Phan Huy Chú): “Mỗi mô đun đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy đối với giáo viên. Đặc biệt mô đun 2,3,4 về : “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”; Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT. Những mô đun này giúp giáo viên linh hoạt hơn trong cách triển khai bài giảng và đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh theo chương trình GDPT mới”.
Thầy Hùng cũng cho biết, giáo viên rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy thực tế, từ cách dạy học sao cho nâng cao năng lực cho học sinh, phát huy được tinh thần tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, sự sáng tạo ở các em… Để đạt được những kỹ năng đó, thì việc kiểm tra đánh giá cũng cần có nhiều thay đổi.
Sau khi hoàn thành bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo chương trình GDPT mới, cô giáo Phạm Thị Thanh Loan, trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nên mô đun 4, sau 7 ngày tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS, các thầy cô học trưc tiếp qua lớp học ảo, song các nội dung vẫn được triển khai đầy đủ.
Một trong những điểm tích cực của chương trình bồi dưỡng là chất lượng các tài liệu bồi dưỡng được biên soạn công phu, súc tích. Phương thức truyền tải đa dạng, phong phú, giúp học viên dễ dàng nắm bắt kiến thức, việc học không bị nhàm chán.
“Nội dung các mô đun rất thiết thực và có ý nghĩa với giáo viên bởi nó xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của chương trình GDPT 2018.
Giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán cũng đánh giá mô hình bồi dưỡng thuộc chương trình ETEP với việc ứng dụng đến mức cao nhất công nghệ thông tin đã khắc phục được tình trạng thiếu chính xác, rơi rụng kiến thức như mô hình bồi dưỡng trước đây.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Hà Tĩnh vẫn chưa thể triển khai cho giáo viên đại trà tự bồi dưỡng do vướng thủ tục đấu thầu Hệ thống quản lý học tập LMS. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang làm việc với sở Tài chính để hoàn thành công tác đấu thầu Hệ thống quản lý học tập LMS trong thời gian sớm nhất.
"Dự kiến, cuối tháng 10, ngành Giáo dục Hà Tĩnh sẽ triển khai bồi dưỡng đại trà qua hệ thống LMS. Bồi dưỡng trực tuyến trên LMS, mọi giáo viên đều có cơ hội tiếp cận tài liệu bình đẳng như nhau, có thể học mọi lúc, mọi nơi, tránh tình trạng “tam sao thất bản” như cách bồi dưỡng trước đây”, ông Trần Hậu Tú, Trưởng phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông tin.
Mặc dù vướng đấu thầu, nhưng các địa phương đã chủ động triển khai tập huấn Bồi dưỡng Chương trình ETEP cho giáo viên đại trà. Đặc biệt, chú trọng chương trình GDPT mới ở lớp 1,2 và lớp 6.