Đề xuất đưa văn bản thông tin vào chương trình Ngữ văn

GD&TĐ - Từ trước đến nay, chương trình Ngữ văn của chúng ta chưa quan tâm nhiều đến phát triển năng lực đọc hiểu văn bản thông tin cho học sinh. Đó là nhận định của ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy - giảng viên Trường ĐHSP TP HCM.

Đề xuất đưa văn bản thông tin vào chương trình Ngữ văn

Vai trò quan trọng của văn bản thông tin

Theo giảng viên này, trong chương trình Ngữ văn hiện nay, học sinh chủ yếu chỉ được tìm hiểu hệ thống văn bản văn chương.

Còn một hệ thống văn bản khác có nội dung liên quan trực tiếp đến thế giới hiện thực, không sử dụng những yếu tố hư cấu, tưởng tượng, thực hiện chức năng chủ yếu là cung cấp thông tin (văn bản thông tin) thì lại chưa được quan tâm giảng dạy đúng mức, tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống xã hội.

ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy 

Nhà trường phổ thông không chỉ dành quá ít thời gian cho việc rèn luyện năng lực đọc hiểu loại văn bản này mà ngay cả những kiểu văn bản cụ thể thuộc loại này cũng chiếm một số lượng rất khiêm tốn trong toàn bộ chương trình Ngữ văn.

Trong khi đó, điểm qua hệ thống khái niệm văn bản được sử dụng trong chương trình Ngữ văn của một số nước trên thế giới, ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy nhận thấy một điểm chung, đó là khung chương trình Ngữ văn đều sử dụng đa dạng loại văn bản trong dạy học đọc hiểu.

Ít nhất là có hai hệ thống văn bản cùng tồn tại trong chương trình, một hệ thống liên quan đến những tác phẩm văn chương, tạm gọi là văn bản văn chương và một hệ thống khác có nhiệm vụ cung cấp và truyền tải thông tin, tạm gọi là văn bản thông tin.

Tên gọi của hệ thống văn bản có chức năng cung cấp và truyền tải thông tin thay đổi tùy theo từng nước, ví dụ như informational text trong chương trình của Mỹ và Singapore; informative text và persuasive text trong chương trình của Úc và nonfiction text trong chương trình của Anh và New Zealand...

Tuy chương trình của các nước sử dụng những tên gọi khác nhau, nhưng nhìn chung đều được dùng để chỉ một loại văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến thế giới thực (không chứa những yếu tố của sự hư cấu, tưởng tượng). 

Và, chương trình giảng dạy văn bản thông tin ở một số nước đã hướng đến việc phát triển năng lực tạo lập và tiếp nhận loại văn bản này cho người học.

Cân nhắc đưa văn bản thông tin vào chương trình Ngữ văn

Giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho biết, trong chương trình Ngữ văn hiện nay vẫn có một số văn bản thuộc loại văn bản thông tin.

Tuy nhiên, cách khai thác trong giảng dạy chủ yếu vẫn thiên về nội dung của văn bản mà chưa hướng học sinh tìm hiểu những đặc điểm của văn bản (như đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, cấu trúc, hoặc việc khai thác ý nghĩa từ những công cụ trình bày trực quan…)

Từ khảo sát chương trình giảng dạy văn bản thông tin của một số nước trên thế giới, ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy đề xuất, trong chương trình Ngữ văn sau năm 2015, văn bản thông tin nên được cân nhắc giảng dạy ở một mức độ phù hợp với vị trí quan trọng của loại văn bản này trong cuộc sống.

“Chúng ta không nên chỉ coi trọng văn bản văn chương mà quên đi vai trò của văn bản thông tin trong việc chuẩn bị kỹ năng đọc hiểu cho học sinh trước hết là ở những bậc học sau trung học cũng như cho cuộc sống và công việc của các em trong tương lai.

Khi thiết kế nội dung giảng dạy văn bản thông tin trong chương trình Ngữ văn sau năm 2015, các nhà biên soạn sách giáo khoa nên lưu ý đến tính đa dạng của kiểu loại văn bản này để tạo cơ hội giúp học sinh tiếp cận với càng nhiều kiểu loại văn bản thông tin cụ thể càng tốt” - ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ