Chiều 11/11, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý với các nội dung liên quan đến giáo dục thường xuyên trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Dự hội thảo có lãnh đạo Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, các phòng GD&ĐT, cán bộ, giáo viên các cơ sở GD&ĐT, trung tâm GDTX cùng đại diện các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cần thay đổi nhận thức về giáo dục người lớn
Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hinh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Điểm mới của dự thảo luật Giáo dục sửa đổi lần này quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của GDTX, giúp làm rõ bản chất của GDTX so với trước đây.
Đồng thời, các chính sách phát triển GDTX được tập trung làm rõ hơn, đây là điểm mới hoàn toàn trong lần sửa đổi này sẽ giúp xây dựng hành lang pháp lý riêng cho các vấn đề trong giáo dục thường xuyên để tiến tới có luật giáo dục suốt đời.
Cùng với đó, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, các tổ chức xã hội đều được quy định cụ thể nhằm phát huy tối đa năng lực của giáo dục thường xuyên trong việc nâng cao kiến thức, đời sống xã hội cho người dân.
Một điểm mới nữa được ông Nguyễn Công Hinh nhấn mạnh trong dự thảo sửa đổi lần này, về vị thế giáo dục người lớn được coi trọng hơn, thể hiện qua quy định các cơ sở giáo dục công lập.
Ông Nguyễn Công Hinh phát biểu tại hội thảo |
Giáo dục người lớn là tổ chức những người theo học trong các trường lớp, các cơ sở đào tạo để tiếp cận những chương trình đáp ứng mọi nhu cầu về học vấn của họ.
Mục đích của những hoạt động này là tạo điều kiện thiết yếu cho thanh niên và người lớn tuổi hiểu biết truyền thống và tư tưởng ảnh hưởng tới xã hội của họ, tới nền văn hóa của họ và các nền văn hóa khác, làm cơ sở cho sự giao tiếp.
Cụ thể, các trường Đại học, Cao đẳng có trách nhiệm cung cấp nguồn học liệu cho các trung tâm GDTX, duy trì và đưa tri thức Đại học đến với đông đảo công chúng về mặt bồi dưỡng năng lực xã hội và năng lực nghề nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi cũng quy định rõ trách nhiệm của các trường sư phạm, cần nghiên cứu về giáo dục ở người lớn và đào tạo các giáo viên có chuyên môn để tham gia dạy giáo dục cho người lớn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Công Hinh đánh giá, điều này tạo ra cơ hội học tập cho nhiều tầng lớp xã hội cùng được tham gia học tập và cơ hội tiếp cận tri thức cao cho tất cả người dân. Chúng ta có thể tạm gọi đây là một phần của tiếp cận hệ thống giáo dục Mở.
Trung tâm ngoại ngữ cần được định danh cụ thể
Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi, ông Vũ Tuấn Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục Language Link cho rằng: Hiện nay cả nước có khoảng trên 3.000 trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động có cấp phép nhưng trong dự thảo sửa đổi lại chưa có quy định rõ ràng về các cơ sở GDTX, bao gồm trung tâm giáo dục ngoại ngữ, tin học (điểm d, khoản 2, điều 42) mà chỉ ghi chung là “các trung tâm giáo dục khác”.
Nếu điều khoản này được thông qua chính thức, thì hơn 3.000 trung tâm này sẽ không được mang tính định danh cụ thể mà sẽ phải đổi tên và chức năng thành TTGDTX; điều này sẽ mất nhiều thời gian và cần quy trình rất dài hơi.
Do đó, ông Lâm đề xuất nên giữ lại quy định về tên trung tâm như Luật trước đây. Cần chiếu theo nhu cầu của người học giúp họ hứng thú theo học hơn và đúng mục đích tham gia hơn thay vì đổi tên làm người học mơ hồ khó lựa chọn.
Ông Vũ Tuấn Lâm phát biểu tại hội thảo |
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Hà đến từ Trung tâm tiếng Anh 123 Hà Nội cho rằng: Nếu chúng ta đang bàn đến tính Mở trong hệ thống giáo dục thì không có lý gì lại gộp các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kĩ năng sống… vào thành một mục như dự thảo sửa đổi hiện nay. Như vậy sẽ rất khó quản lí và có khung pháp lí chung khi đánh giá các cơ sở giáo dục dân lập này.
Cùng với đó, những quy định tại điều 43 về đánh giá công nhận kết quả học tập mà trong luật cũ gọi là quy định về văn bản, chứng chỉ giáo dục mới ở chỗ mọi người có thể tự học ở nhà, đến trường học, học qua mạng…bằng nhiều hình thức. Như vậy cũng nên định danh rõ các trung tâm để người học được định hình để tham gia học và thi lấy các chứng chỉ.
Cùng với đó, việc quy định về nội dung giáo dục thường xuyên cần tập trung đưa thêm vấn đề giáo dục ngoại ngữ và tin học vào thành một mục quan trọng. Bởi vì Chính phủ đang thực hiện đề án phổ cập Ngoại ngữ thì không có lí do gì lại để vấn đề này ngoài chương trình hoạt động được.