Quan tâm đến quy định về trường chuyên

GD&TĐ - Chiều 10/1 tại Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tọa đàm góp ý kiến dự thảo Luật giáo dục (Sửa đổi).

Ông Bùi Văn Linh– Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) chủ trì buổi tọa đàm
Ông Bùi Văn Linh– Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) chủ trì buổi tọa đàm

Dự tọa đàm có ông Bùi Văn Linh – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Văn Linh cho biết: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thương vụ quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019 sắp tới.

Là trường học quan trọng của Thủ đô và cả nước, ý kiến của các giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam sẽ giúp Bộ GD&ĐT có những đóng quý báu giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện Luật.

Với đặc thù của một trường chuyên, Bộ GD&ĐT mong muốn các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đóng góp những ý kiến về dự thảo Luật, đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và quy định về trường chuyên, trường chất lượng cao trong dự thao luật.

Về vấn đề bình đẳng giới, Luật GD năm 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, theo đó mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục, SGK và phương pháp giáo dục trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia.

Học sinh phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm
Học sinh phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Do đó, Dự thảo Luật sẽ bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số Điều luật như: Điều 7 về chương trình giáo dục, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông, SGK.

Về trường chuyên, trường chất lượng cao, Luật giáo dục năm 2005 đã có quy định về trường chuyên, trường nội trú, bán trú. Tuy nhiên các quy định về trường chuyên chưa làm rõ đối tượng học sinh theo học và mục đích của việc giáo dục, đào tạo đối tượng này. Thực tế việc phát triển trường chuyên chưa hoàn toàn đúng hướng phát hiện bồi dưỡng nhân tài.

Thực tế có những nhầm lẫn giữa trường chuyên và trường chất lượng cao, vẫn có quan điểm cho rằng Luật GD sửa đổi vẫn quy định về mô hình trường chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng dịch vụ giáo dục thấp hay cao hoàn toàn phụ thuộc và chủ đầu tư mà không cần quy định trong luật. Đối tượng vào học trường chuyên, trường năng khiếu khác với trường chất lượng cao.

Hướng chỉnh sửa của luật sẽ bổ sung quy định về trường chuyên (Điều 61) để làm rõ hơn về đối tượng vào học trường chuyên là học sinh có tư chất thông minh, có kết quả xuất sắc trong học tập. Không quy định cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông chất lượng cao công lập trong Dự thảo Luật để đảm bảo thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập.

Tại buổi tọa đàm, các học sinh trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của các em về môi trường học tập, đề xuất những kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT với mong muốn sẽ có kết quả học tập tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ