Tại Hội thảo, các vấn đề xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm: Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo; Cán bộ quản lý giáo dục; Chính sách đối với nhà giáo; Chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; Chính sách tôn vinh, khen thưởng.
Dự Hội thảo có GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, ông Lương Tất Thùy - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT cùng các hội viên Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.
Về phía Bộ GD&ĐT có ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; bà Nguyễn Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng lãnh đạo các Cục/Vụ chuyên môn.
Nội dung xin ý kiến được lấy thông qua phiếu xin ý kiến do Ban tổ chức đã chuẩn bị và các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo. Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, với các nội dung chỉnh sửa, đánh giá cao những tâm huyết của Ban soạn thảo về những sửa đổi, bổ sung trong các nội dung của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); đồng thời nêu một số đề xuất như: Cần có chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cần quy định rõ theo định kỳ; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình và yếu tố kiểm tra, giám sát trong quản lý nhà nước; cơ chế chính sách tôn vinh giáo viên giỏi…
Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Kim Tự cho biết: Chương về Nhà giáo là chương rất quan trọng trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Cùng với Hội thảo xin ý kiến góp ý từ Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Hội Cựu giáo chức Cơ quan Bộ GD&ĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổ chức Hội thảo tại TP Vinh (Nghệ An), lấy ý kiến với hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý Sở GD&ĐT, nhà giáo, cán bộ các đơn vị đại học, trường phổ thông. Sắp tới sẽ tổ chức các Hội thảo tại Ninh Bình, Nha Trang xin ý kiến góp ý cho Dự thảo từ đại diện các trường mầm non, phổ thông...
Bên cạnh việc đăng tải thông tin trên website của Bộ GD&ĐT, Cục đã đề nghị các Sở GD&ĐT đăng tải thông tin lên website của Sở, của trường học, địa phương… để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Có thể thấy đây là cuộc xin ý kiến góp ý được tổ chức nghiêm túc với quy mô rộng rãi, tổng thể.