Đề xuất bổ sung quyền của người học được học tập trong môi trường GD an toàn

GD&TĐ - Quy định liên quan đến người học là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. 

Dự thảo Luật GD (sửa đổi) đã bổ sung quyền của người học được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Ảnh minh họa/internet
Dự thảo Luật GD (sửa đổi) đã bổ sung quyền của người học được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Ảnh minh họa/internet

Theo đó, Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có nội dung này. Cụ thể:

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về vị trí, vai trò của GDMN; trách nhiệm của Nhà nước đối với việc phát triển GDMN; thúc đẩy xã hội hóa GDMN, quan tâm hơn nữa đến GDMN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một số đại biểu đề nghị tăng độ tuổi nhận trẻ mầm non từ 6, 9 hoặc 12 tháng tuổi để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã khẳng định GDMN là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ; bổ sung quy định nguyên tắc về chính sách ưu tiên phát triển GDMN ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất mật độ dân số cao; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội (Điều 28).

Về độ tuổi nhận trẻ, TTUB nhận thấy Điều 157 Bộ Luật lao động quy định: lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Trong thực tế, có những trường hợp lao động nữ đi làm khi con mới được 4 tháng tuổi và có nhu cầu gửi con đến cơ sở giáo dục mầm non. Việc quy định của Dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để những cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện có thể nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, đáp ứng nhu cầu thực tế. Do vậy, TTUB xin được giữ như quy định hiện hành.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung vào quy định về quyền của người học; có ý kiến đề nghị quy định mở về độ tuổi bắt đầu các cấp học phổ thông.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung quyền của người học được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học (Điều 82).

Về độ tuổi bắt đầu các cấp học phổ thông, TTUB đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với sự phát triển thể chất, tâm lý của người học và thuận lợi trong thực hiện dự báo quy hoạch đầu vào các cấp học.

Những trường hợp học trước tuổi, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định, học vượt lớp, học lưu ban đã được quy định tại Điều 29 và giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ đối tượng của giáo dục hòa nhập; cân nhắc việc đưa các đối tượng “người học có hoàn cảnh đặc biệt, người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người học đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” vào diện đối tượng của giáo dục hòa nhập; quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm để thực hiện giáo dục hòa nhập; bổ sung một khoản về chữ nổi Braille và ngôn ngữ kí hiệu dành cho người khuyết tật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về khái niệm giáo dục hòa nhập, làm rõ đối tượng của giáo dục hòa nhập là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật (Điều 15); bổ sung quy định người khuyết tật được học bằng chữ nổi Braille, ngôn ngữ ký hiệu theo quy định của Luật Người khuyết tật (Điều 11).

Ngoài ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập cho người học, chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí cho các đối tượng này (Điều 15, Điều 84).

Có ý kiến đề nghị người học là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí khi thay đổi địa bàn học tập hoặc khi địa bàn thay đổi chuẩn.

Về vấn đề này, TTUB cho rằng: Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Chính phủ quy định và xây dựng tiêu chí (khu vực I, II, III) theo từng giai đoạn và hiện được sử dụng trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay chính sách dân tộc đang được Đảng và Nhà nước quan tâm trên mọi lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế,... vì vậy cần quy định bảo đảm tính đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực.

Ngoài ra, trong trường hợp địa bàn thay đổi chuẩn thì người học thuộc hộ nghèo và cận nghèo vẫn được hưởng chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí theo quy định tại Điều 84.

Mặt khác, TTUB nhận thấy, việc đề nghị bổ sung quy định người học là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí khi thay đổi địa bàn học tập hoặc khi địa bàn thay đổi chuẩn có thể là giải pháp nhằm góp phần hạn chế tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học; tuy nhiên, đây là một chính sách mới, có đối tượng rộng, chưa được đánh giá tác động cụ thể.

Vì vậy, TTUB đề nghị giữ như quy định của Dự thảo Luật, đồng thời bổ sung quy định Chính phủ quy định cụ thể chính sách học bổng, trợ cấp và miễn giảm học phí, tín dụng sư phạm đối với học sinh, sinh viên sư phạm tại Điều này để tạo điều kiện cho Chính phủ có thể linh hoạt trong việc quy định chính sách đối với người học là người dân tộc thiểu số tuỳ theo điều kiện cụ thể từng thời kỳ (Điều 84).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.