Về vấn đề này, Thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh, điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra đánh giá quá trình GDPT; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên trong tương lai. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật chỉ đặt ra thi tốt nghiệp phổ thông, không quy định phương thức và quy mô tổ chức.
Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa GDPT, một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa GDPT, bảo đảm tính khả thi; một số ý kiến đề nghị quy định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng cũng có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước.
Về vấn đề này,Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có báo cáo giải trình, tiếp thu như sau:
Về quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa GDPT: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa GDPT; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của Luật và phù hợp với thực tiễn (Điều 32).
Về quy định chương trình, sách giáo khoa GDPT: TTUB cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông, chuyển từ nền giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Theo đó, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa GDPT dựa trên nguyên tắc:
Chương trình GDPT là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc. Chương trình GDPT xác nhận mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục.
Ảnh minh họa |
Sách giáo khoa triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình và định hướng về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ban hành sách giáo khoa trên cơ sở được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
TTUB đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật về chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo đó, chương trình GDPT được thực hiện thống nhất trong toàn quốc; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.
TTUB cho rằng, trên nguyên tắc chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh thống nhất trong cả nước, thì chủ trương xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là rất cần thiết, tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, cũng như tạo điều kiện Bộ GD &ĐT tập trung vào công tác quản lý nhà nước.
Để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa cho tại cơ sở giáo dục, Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa và quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục.
Về quy định cụ thể Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo quy định một điều riêng về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Điều 33).
Đồng thời Dự thảo Luật quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; trình UBTVQH trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 103).
Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật GDĐH và Luật GDNN.