Chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề
Theo Báo cáo, nhiều đại biểu đề nghị cần có chính sách tiền lương ưu tiên đối với nhà giáo; đề nghị quy định cụ thể tiêu chuẩn, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác (không phải là nhà giáo) trong cơ sở giáo dục.
TTUB cho rằng, vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp (Điều 77).
Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hoá trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này.
Về việc quy định rõ về yêu cầu, tiêu chuẩn và chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong cơ sở giáo dục, TTUB cho đây lá một ý kiến xác đáng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh quy định về hiệu trưởng, quy định được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng (Điều 57). Đối với giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục, TTUB đề nghị giao Chính phủ quy định ở văn bản dưới luật để phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của cơ sở giáo dục theo từng loại hình, từng cấp học.
Ảnh minh họa |
Một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để bảo đảm chất lượng và số lượng theo yêu cầu; nghiên cứu mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sư phạm cho người không học sư phạm nhưng được tuyển dụng vào ngành giáo dục và làm rõ thời gian công tác trong ngành để được hưởng tín dụng.
TTUB cho rằng, hiện nay Chính phủ đang tổ chức quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, xây dựng mạng lưới các trường sư phạm trọng điểm; chuẩn hóa chương trình đào tạo sư phạm.
Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc về đào tạo sư phạm. Vấn đề quy hoạch trường sư phạm, xây dựng chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu sẽ được quy định trong văn bản dưới Luật.
Về mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sư phạm cho người không học sư phạm nhưng được tuyển dụng vào ngành giáo dục, TTUB cho rằng, chính sách này chỉ áp dụng đối với người học trong thời gian đào tạo tại các trường, khoa sư phạm để thu hút người giỏi vào nghề sư phạm, không mở rộng đến các đối tượng khác.
Về nội dung cần làm rõ thời gian công tác trong ngành giáo dục để được hưởng tín dụng đã được quy định tại Điều 63 của Luật GDĐH, để tránh trùng lặp, TTUB đề nghị không quy định trong Dự thảo Luật này mà sẽ quy định cụ thể tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDĐH.
Ảnh minh họa |
Phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp
Có ý kiến đề nghị thực hiện chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp trên cơ sở đặt hàng của các địa phương; đề nghị không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy tại các cơ sở GDPT.
TTUB cho rằng, hiện nay việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và các luật khác có liên quan trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, bảo đảm tính cạnh tranh cho người học trong tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy đề nghị giữ quy định này như Dự thảo Luật.
Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc sử dụng người có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy các cấp học phổ thông chỉ áp dụng đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm.
Đồng thời bổ sung quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (điểm d, khoản 1 Điều 73) và thẩm quyền quy định việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn (khoản 2 Điều 73) để thống nhất với Luật GDNN.
Nhiều đại biểu đề nghị quy định chuẩn nhà giáo đảm bảo hợp lý, sát với thực tiễn hơn và cân nhắc lộ trình, tính khả thi của việc nâng chuẩn đào tạo lên trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trình độ đại học đối với giáo viên tiểu học.
Về tiêu chuẩn nhà giáo, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhà giáo như phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và vị trí việc làm; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp (Điều 68).
Theo các khuyến cáo của UNESCO và các tổ chức giáo dục quốc tế, lứa tuổi mầm non, tiểu học là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em.
Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, TTUB đề nghị giữ quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên đại học sư phạm, nâng chuẩn trình độ được đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm (Điều 73). Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, GDMN và GDTH có tính đặc thù cao, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non không chỉ được quyết định bởi trình độ đào tạo mà còn cần kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm và nhiều phẩm chất khác của nhà giáo...
Vì vậy, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn để bảo đảm tính khả thi (Điều 118); không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục; bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, tránh hình thức và chú trọng văn bằng hơn năng lực làm việc.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhiệm vụ nhà giáo về việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường; bổ sung trách nhiệm của nhà giáo đối với người học dưới 18 tuổi.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhà giáo gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường; quy tắc ứng xử trong nhà trường (Điều 70).
Về trách nhiệm của nhà giáo đối với người học dưới 18 tuổi: TTUB cho rằng, quy định về bảo vệ trẻ em đã được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em và các quy định pháp luật có liên quan.
Đối với việc bảo vệ trẻ em trong nhà trường Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về quyền của trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em (Điều 25, Điều 80), quyền của người học được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh (Điều 82).
Đối với việc bảo vệ trẻ em ngoài nhà trường phải được thực hiện theo quy định pháp luật về lao động, hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính...
Tuy nhiên, tiếp thu một phần ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của nhà trường chủ động phối hợp với gia đình và xã hội bảo đảm an toàn cho người dạy và người học (Điều 87).