(GD&TĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã khép lại với nhiều thành công trên trên nhiều phương diện. Đáng chú ý là đề thi năm nay được đánh giá là hay, hấp dẫn, gợi mở và mang tính thời sự, trong đó pải kể đến đề thi môn Ngữ văn. Nhiều ý kiến nhận xét, đề Văn năm nay mang đậm "tính nhân văn và tính thời sự có tác dụng giáo dục hết sức thiết thực và ý nghĩa”.
Thí sinh trao đổi bài |
TS Nguyễn Hoa Bằng - Trưởng khoa Ngữ văn trường ĐH Cửu Long: “Tính nhân văn và tính thời sự có tác dụng giáo dục hết sức thiết thực và ý nghĩa”
Dạng đề nghị luận xã hội thực ra không còn xa lạ với các em HS, những năm gần đây trong đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH thì câu nghị luận xã hội thường xuất hiện và luôn nêu lên những vấn đề nóng, những vấn đề quan tâm trong xã hội…
Việc nêu một vấn đề, một tấm gương sáng để HS có ý kiến là không mới, GD trong nhà trường trước đây đã có nhiều tấm gương sáng và HS đã được học qua nhiều cấp học. Tuy nhiên đề văn nghị luận xã hội năm nay đã nêu ra được vấn đề mang tính thời sự và tấm gương hy sinh quên mình của em Nguyễn Văn Nam, em Nam cũng là HS lớp 12, cùng trang lứa với các em HS.
Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn chấm thi môn Văn, theo đó hướng dẫn chấm thi khá chi tiết và đầy đủ. Chúng ta cần phải thấy rằng đề thi ra có tính chất GD, tuy mở nhưng tôn chỉ cuối cùng là hướng đến tính giáo dục chứ không đi ra ngoài mục tiêu đó, là mở nhưng có định hướng.
Ý kiến trái chiều chỉ là cách nói công thức và theo thói quen, theo thị hiếu, thực ra không phải là trái chiều mà là làm sai lệch đi. Thực chất trường hợp em Nam là một trường hợp phi thường và hành động phi thường này xảy ra trong bối cảnh không bình thường. Trong trường hợp như vậy hành động của em Nam là kịp thời nhất, hành động theo bản năng, bản tính vốn có của con người, đó còn là kết quả của quá trình GD trong môi trường gia đình, nhà trường…
Nếu chúng ta cứ e ngại, lúng túng thì làm sao có được những người dũng cảm giống như Nam. Đây là tấm gương sáng và cái phi thường đặt trong hoàn cảnh không bình thường đó mới có thể lý giải được. Nếu đưa nó vào trong chuyện bình thường, quan niệm tầm thường thì không nên. Nếu đặt vấn đề về sự thiệt hơn, được mất, đem hành vi phi thường như Nam vào chuyện bình thường để so đo, tính toán đến chuyện “sống – chết” và đem ra bàn luận, tranh cãi là không hay và không nên.
Cần phải thấy rằng không khéo chúng ta sẽ bị nhầm lẫn, vì đề thi đã nêu rõ: “Hãy viết một bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của HS Nguyễn Văn Nam…”. Đề thi không yêu cầu HS phải biện luận mà chỉ nêu suy nghĩ về hành động của bạn Nam.
Tuy nhiên nhiều người cứ suy diễn, biện luận rằng phải học bơi, phải kêu người cứu, có người cho rằng phải bơi lội giỏi… Đấy không phải là mục tiêu mà đề thi hướng đến. Không khéo chúng ta nghe dư luận trái chiều, từ một vấn đề rất hay rất nhân văn của đề thi thành bài toán biện luận, người đưa ra trường hợp này, người đưa ra trường hợp khác làm cho việc chấm bài thi và bản thân GV chấm thi sẽ bị nhiễu…
Cái mà người ra đề hướng đến là hành động, là con người Nam, qua đó HS xem như tấm gương sáng để học tập. Có ý nghĩa giáo dục lòng thương người, lòng dũng cảm trong giới trẻ hiện nay… Đề thi rất hay và đã có tính định hướng sẵn nên việc chấm thi không khó.
Từ hướng dẫn chấm thi của Bộ, từ xu hướng đề thi mở, đáp áp cũng đã mở thì GV không khó để đặt bút cho điểm. Và câu hỏi nghị luận xã hội này các em HS cũng không gặp khó, vì từ khi học tiểu học đã có nhiều tấm gương sáng được giảng dạy nên trước vấn đề này HS không hề xa lạ...
Chính đề thi mở, những câu nghị luận xã hội như đề thi năm nay là rất cần thiết trong bối cảnh xã hội. Tấm gương của Nam hy sinh quên mình để cứu rất nhiều người có sức lan tỏa, sức tác động rất mạnh. Tấm gương có ý nghĩa thời sự trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Vì trong giai đoạn hiện nay một số em HS sống trong môi trường đầy đủ và không ít em đã thờ ơ với cuộc sống. Chính đề thi có ý nghĩa thời sự, kịp thời giáo dục, đánh động những em có suy nghĩ lệch lạc trong quan hệ bạn bè, gia đình, xã hội.
Đây không là hình tượng nghệ thuật mà là sự thật, sự thật này là điểm sáng làm mờ đi những bóng tối, những cái xấu. Điểm sáng như Nam làm lóe lên, làm mờ đi bức tranh tối trong xã hội hiện nay… Có thể bài báo viết về sự hy sinh của Nam có nhiều em chưa đọc nhưng đề thi đã nêu lên và tất cả các em HS được đọc. Ít nhất có 1 triệu em biết được tấm gương này, chính tính nhân văn và tính thời sự đã làm nên tác dụng giáo dục hết sức thiết thực và vô cùng ý nghĩa.
Thầy Mai Văn Sang - Giáo viên Văn trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình, Vĩnh Long): “Đề văn như thế chắc không HS nào quên khi rời ghế nhà trường”
Ở câu nghị luận xã hội này đa số các em HS cho rằng hiểu đề nhưng khả năng nhận định và trình bày, bao quát vấn đề có thể chưa sâu sát, thể hiện dễ bị lòng vòng, lủng củng, kể lại câu chuyện và chắp vá ý. Tuy nhiên đây là câu hỏi mở cần có đáp án mở và cách nhìn mở, dù sao thì các em cũng nói lên được lòng dũng cảm cứu người và xã hội cần nhiều người tốt như vậy, cần biểu dương tinh thần của bạn…
Vấn đề đặt ra là sau câu chuyện này, chúng ta suy nghĩ gì từ lòng dũng cảm của HS. Tại sao em quá nhiệt tình nhưng rơi vào tình cảnh éo le và em có ngờ tới chăng? Một sự mất mát quá lớn, một sự thật đau lòng, một bài học vô giá, sự thúc giục lòng người.
Với đề văn cảm động như thế này, chắc không bạn HS nào quên khi rời ghế nhà trường. Đề Văn năm nay rất hay, ý nghĩa đặc biệt nằm ở câu nghị luận xã hội. Chúng ta nên nhớ rằng không nhất thiết phụ huynh, thầy cô giáo phải khuyên con em mình sống như Nam mà hãy xem Nam như một gương tốt, sự dũng cảm để các em nhìn vào đó mà soi rọi mình.
Hành động của Nam rất đáng ca ngợi, nhưng nếu gặp trường hợp của Nam mà sợ chết, sợ nguy hiểm mà không cứu năm em nhỏ rồi chứng kiến các em bị chết đuối liệu Nam có day dứt không? Đề văn không khuyến khích các em nhảy vào nguy hiểm, mà đang khuyến khích các em làm những người công dân có ích, thức tỉnh không ít HS đang có lối sống thờ ơ, ích kỷ. Từ câu chuyện của Nam, từ đề thi Ngữ văn sẽ góp phần thắp lên ngọn lửa để những người trẻ dám sống, dám thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình…
Là dạng đề mở, các em HS cũng làm theo hướng mở từ ý cơ sở, từ lời dẫn của đề bài: “Hành động dũng cảm cứu người…”, người chấm tất nhiên là không cứng nhắc, đúng ý trọng tâm là có điểm.
Thêm một đề nghị luận xã hội, thêm được một thực tế cụ thể cần nêu, các em có thêm nhiều suy nghĩ về tình bạn, tình người, lòng dũng cảm… các em có thêm mong muốn về những người tốt trong xã hội. Và ngành giáo dục cũng có dịp dịp cân nhắc nên dạy thêm những gì cần thiết về kỹ năng sống!
Những bài học rút ra từ câu chuyện của em Nam lớn hơn và mang tính tổng quát hơn điều mà những gì trên các diễn đàn, xã hội băn khoăn. Em Nam đâu chỉ là tấm gương về sự hy sinh cứu người, quan trọng hơn, em chính là tấm gương cho một thái độ sống ở đời, dám dũng cảm làm việc tốt, không ngại làm việc tốt và vì người khác. Điều này thực sự đang ít dần ở giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung hiện nay.
Cô Lê Hồng Thắm - Giáo viên Văn trường THPT Tam Bình (Vĩnh Long): “Đề thi lấy một câu chuyện thực tế và có sức lay động lớn”.
Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ở câu số 2 - câu nghị luận xã hội: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam….”.
Đây không phải là dạng đề lạ. Nhưng so với các năm trước, đây là một đề “lạ” đối với giáo viên và học sinh. Từ năm 2009 đến nay, vì có câu NLXH, đề Văn có nhiều đổi mới, đưa Văn đến gần đời hơn. Cho nên đối với giáo viên năm nào cũng vậy, đến kì thi tốt nghiệp là lo lắng không biết năm nay Bộ cho ra đề mở ở mức độ nào, đề dài hay ngắn, đề thuộc nghị luận về tư tưởng đạo lí hay nghị luận về một hiện tượng đời sống
Nếu đem tất cả các sách tham khảo dạng văn nghị luận xã hội ra để đối chiếu thì rất hiếm thấy một dạng đề nào giống như đề thi năm nay. Trong sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập1, trang 66, ta chỉ thấy duy nhất đề viết về Nguyễn Hữu Ân với nhan đề Chia chiếc bánh của mình cho ai? Vì thế, đề nghị luận năm nay, đối với học sinh có vẻ hơi bất ngờ nhưng rất gần gũi với các em.
Đối với giáo viên trong quá trình giảng dạy, chủ yếu hướng dẫn học sinh rèn luyện kĩ năng tìm hiểu đề, lập dàn ý và rèn luyện kĩ năng tìm ý, viết câu, viết đoạn; hướng dẫn học sinh biết quan sát, nắm bắt những hiện tượng, sự việc xảy ra xung quanh mình; rèn luyện cho học sinh kĩ năng trình bày quan điểm của bản thân, cách ứng xử trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội; giúp học sinh trau dồi năng lực ngôn ngữ và hướng đến hoàn thiện nhân cách sống.
Chính vì vậy, dạng đề mở năm nay tiếp tục là một bức đột phá cho sự thay đổi cách ra đề, từ đó buộc người dạy và người học phải thay đổi phương pháp dạy và phương pháp học phù hợp. Xã hội phải có cách nhìn đúng đắn về vai trò của môn Ngữ văn vừa dạy làm người, vừa dạy kĩ năng sống.
Đề thi lấy một câu chuyện thực tế, mới diễn ra gần đây và có sức lay động lớn. Câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương, Nghệ An đã dũng cảm, hy sinh quên mình cứu 5 em học sinh trên sông Lam vào hôm 30/4 là câu chuyện cảm động, lay động sâu sắc đối với học sinh cả nước.
Đó là một hành dộng dũng cảm, là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Xét cho cùng, Nam là một con người có đạo đức, bản tính lương thiện nên khi thấy người gặp nạn, Nam đã hành động bằng chính bản năng là cứu người chứ không hề có chút do dự, cân nhắc nào.
Từ hình ảnh đẹp đó, mỗi người chúng ta rút ra bài học, dạy cho con em chúng ta cách sống, làm người, sống vì người khác... chứ chúng ta đừng lấy kết cục của Nam rồi bảo con em chúng ta có nên như vậy hay không?
Đây là đề Văn mang hơi thở thời sự và câu hỏi về trách nhiệm hành động trực tiếp của con người. Điều này rất có ý nghĩa với các em học sinh, bởi Văn phải hướng con người đến cái đẹp, biết sống đẹp. Mặc dù kết cục buồn, nhưng hành động đẹp của Nam gấy xúc động lòng người và đáng ngưỡng mộ.
Đây là câu hỏi mở nên khi chấm thi cần có đáp án mở, trong đó chú ý sự sáng tạo của học sinh cũng như những bài học, kinh nghiệm sống và sự chia sẻ của học sinh. Đi sâu vào phân tích hành động của Nguyễn Văn Nam, đáp án có 2 định hướng chính như:
- Cảm phục trước hành động quên mình của nhân vật Nguyễn Văn Nam. Đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập.
- Hành động này thể hiện tấm lòng nhân ái của một nhân cách đặc biệt; một phẩm chất đạo đức cao đẹp đã được tu dưỡng, học tập, rèn luyện từ môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và truyền thống quê hương;…
Trong quá trình phân tích, học sinh có thể chỉ trình bày được vế Cảm phục trước hành động quên mình của nhân vật Nguyễn Văn Nam hoặc khá hơn nêu được vế đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập. Còn lại học sinh sẽ không phân tích hết được trong đáp án.
Đáp án định hướng cho người chấm tốt nghiệp môn Văn năm 2013 đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Sau phần định hướng nội dung của mỗi câu đều có mục lưu ý. Mục này đã thể hiện rõ thái độ trân trọng, ghi nhận những ý kiến, cách nhìn nhận sáng tạo, khác biệt của HS.
Đó là những chỉ dẫn phù hợp với đề Văn mở. Theo đó, nếu thí sinh có những kiến giải riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận; nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa; Không cho điểm những thí sinh có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Ngoài ra, học sinh chưa dám thẳng thắn, trực tiếp bộc lộ quan điểm của cá nhân mình; câu hỏi: em sẽ làm sao nếu em là Nam là thật sự đáng quan tâm, cần được khuyến khích thí sinh phát biểu trong bài làm. Vì vậy để kích thích học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân.
Đáp án cần có độ mở cần thiết để tiệm cận với thực tiễn bài làm rất phong phú của HS. Chẳng hạn, nếu em là Nam em sẽ truy hô lên để mọi người đến cùng cứu các bạn học sinh. Có rất đông người bị đuối nước, một mình em thì không thể nào giúp được hết nếu em cứu không hết còn sót lại bạn nào thì đó còn là nỗi nuối tiếc cho bản thân mình.
Giả sử, em là Nam nhưng em không biết bơi, thấy nhóm người đang bị đuối nước, em sẽ truy hô lên để mọi người đến cứu. Đây cũng là việc làm tốt chứ không phải nhất thiết lúc nào thấy người đuối nước là nhảy xuống cứu…
Vì đây là đề mở rất hay, rất thú vị, có tính thời sự và giúp các em có cách ứng xử phù hợp với điều kiện của bản thân. Tuy nhiên, đề mở cũng phải dựa trên nền tảng của những chuẩn mực đạo đức, những giá trị nhân văn, truyền thống.
Cùng một câu chuyện nhưng mỗi em sẽ có cảm nhận riêng và rút ra bài học hết sức bổ ích. Kết bài yêu cầu rút ra bài học gì? So với năm trước, kết bài thông thoáng và sáng tạo hơn. Đây là một trong những tín hiệu vui trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học môn Ngữ văn.
Quốc Ngữ ghi