Để trí tưởng tượng được bay xa

GD&TĐ - Albert Einstein là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lịch sử loài người. 

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm

Sự sáng tạo không ngừng cho phép thế giới quan của ông mở rộng không có giới hạn. Ông đã nói thế này: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hữu hạn. Trí tưởng tượng là vô cùng và bao quát toàn thế giới”.

Điều ông nói về sức mạnh của trí tưởng tượng, và những hạn chế của kiến thức. Bằng nhiều cách, kiến thức rất dễ dàng có được, nhưng trí tưởng tượng thì cần có sự dũng cảm và kiên trì. Một lần khác, ông nói: “Tưởng tượng mới làm bạn sáng tạo”.

Nhiều cha mẹ hỏi, tại sao con tôi khi đi học thì chỉ làm những bài cô giáo đã giao, đã chữa. Gặp những bài lạ, câu hỏi lạ, cháu thường lười nghĩ, và chỉ muốn nói cho tôi hiểu “con chưa được học bài này”.

Nguyên nhân vì sao ư? Có thể bắt nguồn từ chính phụ huynh. Vì chúng ta đã tham vọng kết quả, và cho con bắt đầu học những quy tắc, những bài mẫu mà quên mất, chúng phải mày mò, phải tưởng tượng.

Tưởng tượng bắt đầu từ đâu. Đó là cuộc đối thoại của con và cha mẹ, và bạn bè nữa. Kể, mô tả về sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với những thứ khác và với cả những thứ quen thuộc, rồi xa lạ. Chúng tìm thấy những cái mới trong những thứ cũ rích. Chẳng hạn, tưởng tượng ra những thứ xung quanh mình thay đổi thế nào, để diễn đạt, để biện minh, để suy luận. Hình tròn cũng có thể trở thành một hình khác, nếu con kéo chiếc dây chun hình tròn và nó trở thành hình ovan.

Hình chữ nhật lại biến thành hình vuông, vì con đã bớt đi chiều dài của cạnh. Chiếc vỏ lon lăn lông lốc, vì nó tròn… Con có thể sáng tạo từ 7 mảnh ghép thành hàng nghìn hình khối. Con có thể gấp mảnh giấy thành những ngôi sao, thành những mô hình… Sự biến hóa khiến con thấy mình có khả năng vô hạn và thế giới từ vô cùng mà đơn giản như tờ giấy trên tay khi con làm chủ được nó.

Hôm qua, anh bạn học đại học của chồng tôi, một chuyên gia công nghệ thông tin cố gắng giúp con mình tính diện tích một hình thoi. Cô bé ngại ngần và sau đó khẳng định rằng không tính được, vì con chưa được học công thức đó. Anh ấy lấy chiếc bút và nói: Con hãy tưởng tượng, cắt cái hình này ra, ghép thành hình chữ nhật xem sao. Tôi quan sát câu chuyện của bố con anh và thấy anh ấy đã làm đúng cách

Nhưng vì sao cô bé không thích nghi được, không theo được điều gợi mở của bố. Hóa ra, ở trường, từ rất lâu, con đã không được học như thế. Người ta dạy con luôn công thức và chỉ thế là hết. Điều tôi muốn nói ở đây, việc cho trẻ tưởng tượng từ nhỏ quan trọng thế nào. Chúng ta không thể hình thành thói quen tư duy khi chúng lớn được, mà phải là từ rất nhỏ. Còn bây giờ, khi chúng đã học lớp 3, lớp 4… chúng ta phải mất nhiều công hơn, phải khó khăn hơn gấp bội.

Hôm trước tôi nhận được email của một cô bé rất đáng yêu ở Ninh Bình và có rất nhiều em nhỏ đã tham gia mục “Giải Toán cùng POMATH” trên Tạp chí Toán tuổi thơ. Các em rất băn khoăn khi những bài tôi biên tập trên chuyên mục lại có nhiều đáp án. Các em nói: “Con không biết điều đó có đúng không? Con phải giải thích như thế nào (có lẽ cũng như nhiều người khác, các em tin rằng, mỗi bài toán chỉ có một đáp án mà thôi) về chuyện lại có nhiều đáp án và biết đâu lại có cả những đáp án mà con chưa tìm ra”.

Ở các lớp học của tôi, tụi nhỏ (từ 5 tuổi) đã quen với những bài toán mở. Đó là những bài toán có nhiều đáp án, hoặc nhiều trường hợp xảy ra. Chẳng hạn, lúc 5 tuổi, bạn ấy đã ngồi nghịch với những chiếc hộp, với những chiếc lọ, những bông hoa. Chúng chỉ cắm những bông hoa vào ba lọ thôi, mà chúng cũng nghịch được cả buổi đấy. Vì sao ư, khi cắm 5 bông hoa vào 3 lọ, đã có rất nhiều trường hợp xảy ra rồi.

Có bạn cắm cả năm bông vào 1 lọ, có bạn cắm mỗi lọ một bông, còn dư 2 bông nhất định không cắm vào lọ nào (vì bạn ấy bảo phải bằng nhau), có bạn lại cắm 2 lọ - mỗi lọ 2 bông - 1 lọ có 1 bông... Rồi đến lớp 2, cho bạn ấy hai thẻ số, bạn ấy có ngay được hai số khác nhau ghép từ thẻ số ấy. Lớp 3, tôi đố các bạn ấy đổi tiền từ tờ 500.000 đồng thành ra các tờ khác (không quá 5 tờ). Lớp 4 thì các con tự lên menu với những món ăn cho cả tuần…

Mọi người hỏi tôi, tại sao lại quan tâm đến những bài toán mở. Với những người nghiên cứu giáo dục Toán học hay dạy học sinh giỏi nhiều kinh nghiệm thì chẳng xa lạ khái niệm này, nhưng với những người chỉ quen lối mòn, truyền thống thì họ chẳng mấy quan tâm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, bài toán mở có tác dụng rất lớn đến phát triển tư duy của trẻ.

Không chỉ tạo cơ hội rèn cho trẻ phẩm chất linh hoạt, nhuần nhuyễn, mà còn giúp trẻ có cơ hội rèn óc tổng hợp, khi vét hết các trường hợp, kết nối các thông tin. Đặc biệt, khi người ta rất quan tâm đến phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề thì việc sớm làm quen với “bài toán mở” tạo ra cơ hội cho trẻ thích ứng với thực tiễn, với khả năng mô hình hóa, làm chủ.

Bài toán mở kiếm ở đâu ra? Rất nhiều phụ huynh thắc mắc vì khi rà soát, trong chương trình gần như không có. Tôi trả lời rằng, đó là cuộc sống của con bạn. Hãy lấy những tình huống có thật: Cầm tiền đi chợ, lên thực đơn, lên phương án khi đi chơi… các con sẽ bắt đầu thấy mình không chỉ áp dụng công thức hay có một cách làm, các em sẽ nhận thấy sự thú vị và muốn tiếp tục khám phá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ