'Mềm hóa' nội dung giáo dục pháp luật

GD&TĐ - Nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang được ngành Giáo dục Nghệ An đẩy mạnh.

Hoạt động trải nghiệm chủ đề: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông và tập huấn kỹ năng tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội” tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh). Ảnh: NTCC
Hoạt động trải nghiệm chủ đề: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông và tập huấn kỹ năng tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội” tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh). Ảnh: NTCC

Nâng cao nhận thức

Học kỳ I vừa qua, 2 học sinh Trường THPT Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) vi phạm Luật Giao thông và có giấy thông báo của cơ quan công an về nhà trường. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Tảo cho biết, vi phạm chủ yếu của học sinh là tự chế xe trái quy định hoặc lỗi đội mũ bảo hiểm. Sau khi có thông báo, phụ huynh được yêu cầu làm việc với nhà trường để nắm bắt tình hình và có phương án phối hợp quản lý. Về phía học sinh, chịu hình thức xử phạt đi lao động một tuần. Nếu vi phạm lần thứ 2 sẽ hạ hạnh kiểm.

Theo thầy Tảo, học sinh nhà trường hầu hết con em đồng bào dân tộc thiểu số, rời bản xuống thị trấn Mường Xén ở trọ. Thiếu sự quan tâm, quản lý sát sao của bố mẹ nên các em khá tự do, kể cả trong sử dụng phương tiện trái quy định, tự chế; tham gia giao thông khi chưa nắm rõ quy định pháp luật. Vì vậy, thời gian qua, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh.

Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời thông tin trường hợp vi phạm để có hướng xử lý, giáo dục. Đặc biệt, hằng tuần, trường tổ chức thi trực tuyến chủ đề an toàn giao thông trên nền tảng phần mềm kiểm tra chất lượng giáo dục.

Theo số liệu của ngành Giáo dục và Công an tỉnh Nghệ An, tình trạng vi phạm an toàn giao thông trong học sinh diễn ra khá nhiều. Năm 2023, tại cụm an ninh trường học số 3, gồm huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong và thị xã Thái Hòa có hơn 120 vụ việc. Ở cụm 2, gồm các đơn vị thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc cũng có tới 398 vụ vi phạm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 1.335 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng. Các lỗi mà học sinh, sinh viên thường mắc là không đội mũ bảo hiểm, vượt tốc độ, chở quá số người quy định.

Đáng lo ngại, một số lỗi vi phạm nghiêm trọng như nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi lái xe... Các trường hợp này, sau khi bị phát hiện xử lý, Công an tỉnh đã gửi thông báo đến nhà trường để phối hợp giáo dục ý thức pháp luật an toàn giao thông, có hình thức xử lý kỷ luật.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra hơn 70 vụ tai nạn giao thông, khiến 14 học sinh tử vong và em l70 bị thương. Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục tích cực phối hợp với công an, ban ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp giáo dục pháp luật, nâng cao văn hóa tham gia giao thông cho học sinh. Về phía giáo viên sẽ dạy thực hành các hoạt động giáo dục an toàn giao thông theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và sử dụng hiệu quả đồ dùng thiết bị.

Tiết học về an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn

Tiết học về an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn

Bài bản từ cấp học nhỏ

Mới đây, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng phối hợp Phòng Cảnh sát cơ động, Phòng An ninh chính trị nội bộ và Công an thành phố Vinh tổ chức hoạt động trải nghiệm chủ đề: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông và tập huấn kỹ năng tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội”.

Qua phần giao lưu kiến thức liên quan đến an toàn giao thông, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã ý thức hơn tầm quan trọng việc tuân thủ Luật Giao thông. Đồng thời ký cam kết nghiêm túc chấp hành các quy định tham gia giao thông an toàn. Tại buổi hoạt động trải nghiệm, các em được hướng dẫn cách tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội đúng và an toàn, tìm hiểu lợi ích, rủi ro khi sử dụng mạng xã hội.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là đơn vị xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh về “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học trên địa bàn tỉnh”. Mô hình do Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp Công an tỉnh triển khai đồng loạt tại 4 cấp học.

Mục tiêu của mô hình nhằm chủ động phòng ngừa và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật trong học sinh, có kỹ năng sống tốt, biết ứng phó tình huống xảy ra trong thực tế, hướng đến xây dựng nhân cách, ý thức công dân thời đại mới. Xây dựng môi trường an ninh, an toàn trong trường học, trong đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Qua đó, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật từ sớm, xa.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nêu thực tế tại địa bàn vùng núi cao, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động địa phương rất khó khăn, nên người dân phải đi làm ăn xa nhiều. Trẻ được giao lại cho ông bà hoặc anh chị lớn chăm em nhỏ. Khi đi học, phần lớn học sinh ở bán trú hoặc nội trú trong trường.

“Chúng tôi nhận thấy giáo dục pháp luật và kỹ năng sống do công an chủ trì cùng với ngành Giáo dục là thiết thực. Nhiều vấn đề an ninh lương thực, tôn giáo, tệ nạn xã hội, ma túy, nguy cơ buôn bán người… được địa phương đặt lên hàng đầu. Nếu giáo dục cho học sinh bài bản từ nhỏ sẽ nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho các em”, ông Lô Thanh Nhất nói.

Tại thành phố Vinh, nhiều giải pháp được thực hiện như tổ chức ngày/tiết học pháp luật, nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật… phù hợp từng cấp, trường học. Tăng cường vai trò các câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Đại diện Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũng cho rằng, quá trình triển khai không khô cứng mà lồng ghép các hoạt động phù hợp với tâm sinh lý học sinh từ mầm non đến phổ thông...

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh, cùng với dạy học, công tác giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống cho cán bộ, công nhân viên, học sinh là yêu cầu cấp thiết, trở thành nội dung học tập, rèn luyện thường xuyên.

Ngành Giáo dục đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa; bộ tiêu chí đảm bảo trường học an toàn. Đồng thời triển khai các chương trình, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, ký cam kết thực hiện mô hình ở trường học… Bên cạnh đó, đưa vào tiêu chí thi đua khen thưởng, phê bình gắn với trách nhiệm của giáo viên nhà trường nếu có học sinh vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ