Những việc đã làm được không nhỏ, nhưng người đứng đầu Công đoàn Giáo dục Việt Nam - TS.Vũ Minh Đức - vẫn vô cùng trăn trở, làm sao để hoạt động của tổ chức công đoàn thực chất hơn nữa, đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp GD&ĐT.
Những đóng góp tâm huyết
- Ông có thể chia sẻ điều tâm huyết nhất mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã làm được cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua?
Mấy năm vừa qua, chúng tôi đã nỗ lực và làm được nhiều việc theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, trong đó có 3 việc thực sự tâm huyết, đó là: Cùng với chuyên môn thực hành dân chủ trong trường học; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo, người lao động trong ngành, đặc biệt các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tham gia vào quá trình phát triển nhà trường cũng như động viên nhà giáo tham gia vào quá trình này.
Riêng về thực hành dân chủ trong trường học, nói dân chủ là nhà giáo, người lao động “cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm”, đến nay cơ bản các nhà trường đã thực hiện tốt.
Những định hướng lớn như phát triển nhà trường, tuyển sinh, chi tiêu, phân phối phúc lợi... cơ bản được bàn rộng rãi, người lao động được quyền thảo luận, cho ý kiến. Rồi về xây dựng cơ bản cũng có ý kiến của công đoàn, thanh tra nhân dân tham gia giám sát...
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, trong khối trường học, không khí dân chủ ở các trường đại học cao hơn ở các trường phổ thông; các trường công lập cao hơn các trường ngoài công lập.
Với việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà giáo, hiện nay, ở các trường công lập, tuyệt đại đa số đều thực hiện đầy đủ cơ chế chính sách với nhà giáo. Do đó, với nhóm này, chúng tôi tập trung cùng tham gia với nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để nhà giáo có thể được hưởng quyền lợi cao hơn so với quy định.
Trong khi đó, ở những trường ngoài công lập, việc công đoàn ưu tiên là việc ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa người đứng đầu nhà trường với người lao động sao cho có lợi cho nhà giáo. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn nhiều khó khăn.
Chúng tôi cũng hết sức quan tâm đến đời sống các thầy cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 10 năm gần đây, công đoàn huy động được hàng trăm tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn nhà công vụ, công trình nước sạch, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho giáo viên những nơi này.
Công việc ý nghĩa này, chúng tôi đã đều đặn huy động, thực hiện hàng năm; riêng năm nay, số nhà công vụ mà chúng tôi xây dựng cho các thầy cô vùng khó là 15 nhà cùng 8 công trình nước sạch với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.
Một số việc làm ý nghĩa khác cũng được Công đoàn ngành triển khai trong mấy năm gần đây là tổ chức đón tết sớm cho các thầy cô giáo cắm bản; ký kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho giáo viên được mua hàng giảm giá; huy động đóng góp cho giáo dục các tỉnh bị thiên tại. Đợt mưa lũ vừa rồi, công đoàn đã huy động được khoảng 5 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sơ giáo dục bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - trao tặng Sổ vàng Liệt sĩ nhà giáo cho đại diện của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị Tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018. |
Tổ chức công đoàn nhất thiết phải đổi mới
- Về những khó khăn trong hoạt động công đoàn, bản thân ông còn trăn trở nhất điều gì?
Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là hệ thống tổ chức công đoàn giáo dục. Theo phân cấp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ quản lý trực tiếp các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; trong khi đó công đoàn các trường học thuộc khối giáo dục phổ thông lại thuộc quyền quản lý của Liên đoàn Lao động các địa phương, nên thiếu sự thống nhất. Nếu hệ thống tổ chức theo ngành dọc sẽ thuận lợi hơn.
Điều thứ 2 là kinh phí cho hoạt động công đoàn. Hiện nay vì kinh phí ít, công đoàn buộc phải dựa vào chuyên môn để có thêm nguồn lực, kéo theo tính độc lập tương đối sẽ giảm.
Thứ 3, đội ngũ cán bộ công đoàn còn thiếu và yếu vì hầu hết là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn ít; chế độ đãi ngộ với cán bộ công đoàn rất thấp. Không có đãi ngộ tốt thì không thu hút được cán bộ giỏi, từ đó sẽ không có phong trào tốt.
- Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng vai trò của công đoàn với người lao động vẫn còn mờ nhạt; hoạt động của công đoàn mới chủ yếu dừng lại ở các hoạt động phong trào, mang tính hình thức nhiều hơn thực chất? Có cách nào để thay đổi suy nghĩ "công đoàn giống như cái bánh xe thứ 5", thưa ông?
Tôi cho rằng, để thay đổi được suy nghĩ đó, trước hết bản thân công đoàn phải đổi mới. Công đoàn cần và phải là bạn đồng hành tin cậy của người lao động, là nơi người lao động có thể giãi bày tâm tư, nguyện vọng và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ cần thiết. Như trong trường học, không phải giáo viên nào khi có tâm tư, khúc mắc cũng có thể gặp trực tiếp người đứng đầu nhà trường, hoặc họ không đủ dũng khí để nói. Khi đó, họ có thể thông qua tổ chức công đoàn. Và công đoàn phải có biện pháp bảo vệ và chăm lo cho công đoàn viên. Đó là điều đầu tiên và rất quan trọng.
Thứ 2, công đoàn phải cùng người lao động phản biện cơ chế chính sách; tập hợp ý kiến người lao động giúp nhà trường điều chỉnh chính sách hướng về người lao động.
Thứ 3, công đoàn cũng cần chung tay góp phần tích cực trong việc xây dựng nhà trường ổn định và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trách nhiệm phát triển nhà trường là của mỗi công đoàn viên. Nếu chất lượng dạy học tốt, sản phẩm đầu ra tốt. Nhà trường phát triển mới có điều kiện để cải thiện đời sống cán bộ, nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – thăm, động viên cô giáo ở Thanh Hóa đang điều trị tại bệnh viện K (Hà Nội) |
Một điều hết sức quan trọng là tổ chức công đoàn phải làm sao kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động để có thể giải quyết vấn đề vướng mắc ngay từ đơn vị cơ sở, tránh tạo thành điểm nóng; bởi khi đã tạo thành điểm nóng thì sự việc sẽ trở lên vô vùng phức tạp. Ngoài ra là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên.
Một việc nữa công đoàn phải làm được, đó là dân chủ cơ sở. Việc xảy ra chuyện này, chuyện kia theo hướng tiêu cực trong nhà trường chủ yếu là do thiếu dân chủ, thiếu minh bạch trong các hoạt động của nhà trường, nhất là vấn đề tài chính, công tác cán bộ.
Cán bộ công đoàn trường học phải có đủ năng lực và bản lĩnh để thực hiện việc giám sát các hoạt động đó, có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn các hành vi tiêu cực.
Tôi cho rằng, hiện giáo viên nhận thức cao, có hội tiếp cận thông tin nhiều, nhưng để gắn kết họ và tạo môi trường làm việc thân thiện, nhân ái cũng cần có phương pháp và cách thức phù hợp.
Ngoài những nhiệm vụ đó, Công đoàn giáo dục các cấp cần động viên nhà giáo, người lao động khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại đổi mới; triển khai một cách có hiệu quả các hoạt động giáo dục theo tinh thần “đổi mới, sáng tạo” của ngành.
Cùng với đó là quan tâm tới việc xây dựng hình ảnh của nhà giáo trong thời kỳ mới tâm huyết, tận tụy, năng động, gương mẫu. Bằng những việc làm tích cực thuyết phục học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội để nhà giáo, nghề giáo được xã hội trân trọng.
Công đoàn cũng phải rất chủ động: chủ động nhận định tình hình, chủ động phát hiện vấn đề và chủ động giải quyết trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng . Nếu làm được tất cả các điều trên thì chắc chắn công đoàn sẽ không bị coi là "bánh xe thứ 5" nữa.
- Xin cảm ơn ông!