Đề thi Văn hay, vừa sức

Đề thi Văn hay, vừa sức
Đề Văn được đánh giá là hay, vừa sức. Ảnh: gdtd.vn
Đề Văn được đánh giá là hay, vừa sức. Ảnh: gdtd.vn

Đề thi Văn khối C năm nay có  3 câu. Câu 1 (phần chung – 2 điểm) yêu cầu trình bày về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh. Câu 2 (phần chung – 3 điểm) là câu nghị luận xã hội chủ đề về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay. Phần riêng với câu theo chương trình chuẩn yêu cầu nêu cảm nhận về hai đoạn của 2 bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” – Hàn Mặc Tử  và “Tràng Giang” – Huy Cận; câu theo chương trình nâng cao yêu cầu nêu cảm nhận về hai đoạn văn trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân và “Ai đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường”.

Đạt 8,2 điểm tổng kết Văn ở phổ thông, thí sinh Nguyễn Thị Xuân (thi tại Học viện Báo chí tuyên truyền) cho biết, đề thi không quá khó, học sinh trung bình nếu chăm chỉ học tập là có thể hoàn thành bài thi. Xuân nhận định, đề hay và bám sát chương trình phổ thông, trong đó em đặc biệt thích cách ra đề theo kiểu so sánh như hai câu ở phần riêng. Ở câu dạng so sánh này thí sinh không chỉ cần hiểu bài sâu sắc mà phải có óc cảm nhận, nói chung phải có chút “khiếu” văn mới làm hay được. Xuân cũng chọn làm câu này và theo em, đây chính là câu có thể phân loại được thí sinh.

Ghi nhận tại 2 điểm thi trường ĐH Văn Hóa và Học viện Báo chí tuyên truyền, thí sinh ra sớm không nhiều. Nhiều em nhận định đề Văn không quá khó, khả năng có đạt điểm 6, 7. Khá nhiều em “kết” câu nghị luận xã hội và cho rằng đây là vấn đề rất có ý nghĩa, đặc biệt với thế hệ trẻ.

Hầu hết thí sinh khi được hỏi đều cảm thấy lo lắng nhất với môn Lịch sử. Đây cũng là “cửa ải” mà các thí sinh khối C phải vượt qua chiều nay.

Đề thi khối D năm nay rơi vào truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân; bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”; tác phẩm “Chí Phèo” và “Đời thừa” của Nam Cao. Câu nghị luận xã hội về chủ đề đạo đức giả.

Mặc dù một số thí sinh cho rằng đề thi khối D năm nay dễ hơn năm trước nhưng cũng khá nhiều em bất ngờ với đề này. Thí sinh Trần Thị Hảo, thi tại điểm thi trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, em không ngờ lại vào bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” vì đây là bài thơ mới được đưa vào chương trình học. mặt khác, đây là một bài khó. Vì không ôn kỹ nên em “né” câu này để chọn câu III.b. Câu này yêu cầu nêu cảm nhận về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo (“Chí Phèo” – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (“Đời Thừa” – Nam Cao) dù vào 2 tác phẩm quen thuộc nhưng lại yêu cầu so sánh hai chi tiết trong 2 bài, đòi hỏi học sinh phải hiểu thực sự sâu sắc tác phẩm. Vì thế, bài thi này em đã làm không được tốt lắm.

Nhận xét về đề Văn buổi thi sáng nay, TS.Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Văn trường THPT Chu Văn An khẳng định: Cảm giác đầu tiên là đề hay- từ câu hỏi kiểm tra kiến thức 2 điểm cho tới câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Câu hỏi 2 điểm của cả khối D và C đều yêu cầu tái hiện kiến thức của một tác giả và một tác phẩm, nhưng đề bài vẫn không rơi vào lối mòn, khuôn sáo, vẫn yêu cầu thí sinh phải có tư duy tổng hợp để làm bài. Hai bài văn NLXH đề đề cập tới những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, những vấn nạn gây nhức nhối đời sống cộng đồng. Các câu NLVH đảm bảo sự cân đối giữa thơ và văn xuôi, kiến thức lớp 11 và 12, vừa sát chương trình SGK phổ thông, vừa yêu cầu thí sinh có những cảm nhận riêng tinh tế, có tư duy tổng hợp, so sánh sâu, rộng.

Nhưng TS.Trịnh Thuy Tuyết cũng có một cảm nhận đồng thời khi đọc đề, đó là sự lặp lại trong tâm thế và ý tưởng. Hai câu NLXH đều yêu cầu thí sinh suy nghĩ, bàn luận về những vấn đề thuộc mặt trái của xã hội. Nếu nhìn tổng thể đề văn của một kì thi Quốc gia, dễ đưa đến cảm giác hơi u ám! Cũng như thế, trong 4 câu NLVH của cả khối D và C thì có tới 3 câu phải sử dụng kĩ năng so sánh, liên tưởng… khi đề bài yêu cầu cảm nhận về hai chi tiết, hai đoạn thơ, hai hình tượng…trong các tác phẩm văn học. Và cả hai câu NLVH của khối C đề ít nhiều trực tiếp hoặc gián tiếp gợi tới những dòng sông: dòng Tràng giang của Huy Cận; dòng sông trăng ( hay sông Hương) của Hàn Mặc Tử, dòng sông Đà của Nguyễn Tuân và dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có quá nhiều sông chăng?

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ