Đề thi môn Toán THPT quốc gia 2018: Rõ ràng, chính xác, có phân hóa

GD&TĐ - Trước một số ý kiến xung quanh đề thi môn Toán THPT quốc gia 2018, từ các phân tích của mình, thầy Tạ Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiền Đa (Phú Thọ) - đã khẳng định độ rõ ràng, chính xác của đề thi.

Thí sinh thảo luận về nội dung bài làm sau khi kết thúc buổi thi toán
Thí sinh thảo luận về nội dung bài làm sau khi kết thúc buổi thi toán

“Tự luận trong vỏ trắc nghiệm” là chưa chính xác

- Có ý kiến cho rằng, đề Toán năm nay độ khó quá mức cho phép, ý kiến thầy thế nào?

Đề Toán năm 2018 phù hợp với hai mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học - cao đẳng. Đề thi đã có sự phân hóa theo từng mục đích trên, khoảng 60% câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể làm được, đảm bảo cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Số còn lại là các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, có sự phân hóa để đảm bảo cho mục tiêu xét tuyển sinh đại học - cao đẳng.

Nội dung kiến thức các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nhưng được hỏi ở nhiều khía cạnh khác nhau, không phải là các câu hỏi quen thuộc với học sinh, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất toán học thì mới giải quyết được các câu hỏi này, do đó một số ý kiến cho rằng độ khó quá mức cho phép.

- Những người ra đề Toán THPT quốc gia 2018 đã khoác lên những bài toán tự luận có cái vỏ trắc nghiệm. Ý kiến này theo thầy có chính xác không?

Như đã nói ở trên, nội dung kiến thức các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nhưng được hỏi ở nhiều khía cạnh khác nhau, không hoàn toàn là các câu hỏi quen thuộc với học sinh, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất toán học, có kiến thức tổng hợp, sáng tạo thì mới giải quyết được các câu hỏi này.

Một số người sau khi giải đề cho rằng đề Toán năm nay đã khoác lên những bài toán tự luận có cái vỏ trắc nghiệm, ý kiến này là chưa chính xác. Có lẽ ý kiến này xuất phát từ việc một số học sinh, giáo viên khi giải quyết những câu hỏi trong đề thi vẫn theo tư duy tự luận, đưa về các bài toán quen thuộc đã biết trong tự luận. Điều này là không phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm.

Đề thi phù hợp với hai mục tiêu của kỳ thi

- Có ý kiến phân tích một số bất hợp lý trong đề thi, chẳng hạn: Câu 16 - Mã đề 109, bài toán lãi suất không có lựa chọn nào đúng cả trong 4 phương án; Xin cho biết nhận định của thầy về ý kiến này?

Về Câu 16 – Mã đề 109: Một người gửi tiết kiệm vào một ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. Biết rằng nếu không rút tiền ra khỏi ngân hàng thì cứ sau mỗi năm số tiền lãi sẽ được nhập vào vốn để tính lãi cho năm tiếp theo. Hỏi sau ít nhất bao nhiêu năm người đó thu được (cả số tiền gửi ban đầu và lãi) gấp đôi số tiền gửi ban đầu, giả định trong thời gian này lãi suất không thay đổi và người đó không rút tiền ra?

Nhận xét: Đây là câu hỏi quen thuộc với học sinh vì đã được viết trong SGK Giải tích 12 cơ bản trang 78 trình bày lời giải đúng như trên, chỉ khác ở chỗ lãi suất là 8,4%/năm. Chú ý rằng đề bài đã nên rõ kỳ hạn gửi là một năm nên phải sau 10 năm người gửi mới được rút tiền.

Có ý kiến cho rằng với n=10 năm thì số tiền người đó thu được nhiều hơn gấp đôi số tiền người đó mang đi gửi, tuy nhiên có một sự thật là, khi chúng ta có một số tiền nào đó thì hiển nhiên chúng ta cũng có số tiền ít hơn số tiền chúng ta có.

Do vậy một số ý kiến cho rằng câu hỏi này không có đáp án đúng có thể là do hiểu nhầm cụm từ “thu được gấp đôi số tiền gửi ban đầu” của đề bài thành “thu được đúng gấp đôi số tiền gửi ban đầu”. Chú ý rằng, ở đây số tiền không phải là một thuộc tính cố định. Cho nên một người có 100.000 đồng thì hiển nhiên có thể nói anh ta có 50.000 đồng mà không nhầm lẫn.

Về Câu 33 - Mã đề 106: Một chiếc bút chì có dạng khối lăng trụ lục giác đều có cạnh đáy 3 mm và chiều cao 200 mm. Thân bút chì được làm bằng gỗ và phần lõi được làm bằng than chì. Phần lõi có dạng khối trụ có chiều cao bằng chiều dài của bút và đáy là hình tròn có bán kính 1 mm. Giả định 1 m3 gỗ có giá a (triệu đồng), 1 m3 than chì có giá 7a (triệu đồng). Khi đó giá nguyên vật liệu làm một chiếc bút chì như trên gần nhất với kết quả nào dưới đây?

Ở đây, một số người hiểu giá nguyên vật liệu để làm được một chiếc bút chì là tính cả phần lõi gỗ bỏ đi và giải thích rằng nếu không tính thì không đúng trong thực tế sản xuất. Rõ ràng cách hiểu trên là máy móc, chưa chính xác, cách hiểu trên đã coi rằng, công việc làm một chiếc bút chì gồm: Làm một thân bút chì bằng cách tạo ra một khối lăng trụ lục giác đều, sau đó khoét lỗ ở giữa để bỏ phần lõi gỗ và thay thế bằng phần lõi được làm bằng than chì và phải tính cả phần lõi gỗ bỏ đi vào nguyên vật liệu.

Trong câu hỏi này, đề bài đã nêu rất rõ ràng, bút chì gồm 2 phần gồm: Thân bút chì được làm bằng gỗ và phần lõi được làm bằng than chì. Thực tế công nghệ sản xuất hiện nay, tất cả các nguyên vật liệu đều được sử dụng theo một chu trình khép kín và không có chuyện bỏ phần lõi gỗ.

Như vậy, với hai câu hỏi trên, đề bài đã rõ ràng và không gây hiểu nhầm cho học sinh, đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra là chính xác.

- Thầy có thể cho biết đánh giá chung về đề thi môn Toán Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018?

Tôi cho rằng, đề thi phù hợp với hai mục tiêu của kỳ thi: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học - cao đẳng, các mã đề tương đương, tương tự nhau và có tính phân hóa cao.

Về phạm vi kiến thức: Đề thi bao trọn kiến thức của lớp 12 và một số nội dung của lớp 11 (Tổ hợp - xác suất; Góc, khoảng cách trong không gian, phương trình tiếp tuyến) tránh tình trạng học tủ, học thuộc. Phạm vi kiến thức, tỷ lệ kiến thức lớp 11, 12 so với đề tham khảo năm 2018 của Bộ về cơ bản là như nhau.

Về đề thi: Có 24 mã đề thi, các mã đề có mức độ tương đương hoặc các câu hỏi tương tự nhau, điều này đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo các mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Về mức độ phân hóa: Đề thi đảm bảo việc phân hóa theo từng mục đích. Các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, không quá nặng nề về tính toán, không có câu hỏi nào chỉ sử dụng máy tính cầm tay là ra kết quả. Hỏi nhiều khía cạnh khác nhau, có các bài toán ứng dụng toán học trong Vật lí, trong thực tiễn.

- Xin cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.