Theo phân tích của thầy cô tổ Tiếng Anh, Hệ thống giáo dục Hocmai, đề tham khảo gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút.
Về nội dung: Đề tập trung kiểm tra các kiến thức ngữ pháp và từ vựng nhưng không còn xuất hiện các câu hỏi ngắn mà được lồng ghép vào các dạng bài; toàn bộ đều dưới dạng đọc hiểu nhằm kiểm tra khả năng tư duy, đánh giá năng lực của thí sinh. Cụ thể 4 dạng bài như sau:
Thứ nhất: Hoàn thành nội dung quảng cáo/ thông báo/ tờ rơi… (12 câu). Các nội dung quảng cáo/ thông báo/ tờ rơi được lồng ghép chuyên đề ngữ pháp và từ vựng như: các loại từ; các loại câu; các loại mệnh đề; từ vựng bao gồm cụm động từ và lựa chọn từ phù hợp với ngữ cảnh của câu văn. Tuy vẫn dạng câu hỏi về ngữ pháp, yêu cầu cao hơn so với trước là học sinh cần đọc hiểu thông tin trong một văn bản. Mức độ khó hơn, phân hoá hơn hoàn thành câu với các từ đơn lẻ.
Thứ hai: Sắp xếp thứ tự các câu thành một đoạn văn/ lá thư/ đoạn hội thoại hoàn chỉnh (5 câu). Mỗi đoạn gồm 3 - 5 câu, thứ tự logic của đoạn văn/ lá thư/ đoạn hội thoại đang bị xáo trộn, học sinh cần đọc hiểu ý và sắp xếp lại theo đúng trình tự, đây là dạng bài cần kĩ năng đọc hiểu, từ vựng và logic về sắp xếp ý.
Thứ ba: Hoàn thành đoạn văn bằng các đoạn thông tin còn thiếu (5 câu). Thay vì chỉ điền từng từ vào chỗ trống như trước đây, dạng bài này yêu cầu học sinh có kiến thức đọc hiểu sâu, logic, đồng thời ngữ pháp phải rất vững để lựa chọn các mệnh đề/câu văn đúng vào chỗ trống.
Thứ tư: Đọc hiểu trả lời câu hỏi (gồm 2 bài bài đọc hiểu 8 câu và bài đọc hiểu 10 câu.
Đây là dạng bài rất quen thuộc với học sinh; tuy nhiên, đề thi có sự làm mới gần như hoàn toàn khi tăng số lượng câu hỏi lên 18 câu (thay vì 12 câu như trước). Đồng thời, xuất hiện một số kiểu câu hỏi mới như: Từ từ trái nghĩa; viết lại câu bằng từ ngữ, ngữ pháp và cấu trúc câu khác mà vẫn giữ được ý nghĩa gốc của câu đó;tìm vị trí phù hợp để điền một câu văn sao cho đúng logic ý; tóm tắt một đoạn văn; tóm tắt cả đoạn văn bản.
Chủ đề của các bài đọc rất thực tế, là những vấn đề nổi cộm trong đời sống hoặc các xu hướng trong các lĩnh vực về công nghệ, phát triển đô thị, môi trường,…
Sự thay đổi về cấu trúc và nội dung của đề thi cũng làm tăng độ khó của đề thi. Trong mỗi dạng bài đều có các câu hỏi ở các cấp độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng. Tuy nhiên, học sinh cần phải đọc kỹ càng đoạn văn hơn vì nếu là các câu hỏi riêng lẻ học sinh có thể chỉ mất vài giây để chọn được đáp án nhưng dưới dạng đoạn văn các em sẽ mất thời gian hơn vì câu dài và có logic ý tứ. Đây cũng là một thách thức với học sinh vì phải xử lý 40 câu hỏi dưới dạng đoạn văn bản chỉ trong vòng 50 phút.
Có thể nói đây là một format đề thi hay và thách thức khi không còn việc làm bài theo mẹo mà cần phải học đúng – hiểu thật; vận dụng các kiến thức đầu vào về ngữ pháp nền tảng và từ vựng để xử lý bài thi dưới áp lực về thời gian và độ khó của các dạng bài. Cấu trúc và độ khó của đề thi phù hợp để xét tuyển đại học và các trường đại học có thể sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển vì một đề thi hay như này.