Nhận định chung về đề tham khảo, theo cô Hằng, đề thi vừa sức, phù hợp với học sinh, bám sát cấu trúc chuẩn theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT và có sự phân hóa.
Đề thi có tính thực tiễn cao và tính thời sự cao. Nội dung của đề nằm trong chương trình THPT hiện hành với trọng tâm kiến thức chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình, không đánh đố thí sinh.
Đề tham khảo sẽ là cơ sở để học sinh và giáo viên ôn tập. Với đề minh họa này lộ trình ôn tập của học sinh có định hướng rõ ràng và cụ thể hơn đồng thời xác định được những mục tiêu đối với việc đăng kí xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng rõ ràng hơn nữa.
Cấu trúc 2 phần lớn
Về cấu trúc: Đề thi bám sát cấu trúc các đề tham khảo của Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây, đảm bảo đủ 2 phần lớn là: Đọc hiểu văn bản (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).
Trong đó, phần làm văn thí sinh phải làm 2 câu. Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách. Câu nghị luận văn học 5 điểm với đơn vị kiến thức của tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông cũng đã từng xuất hiện trong đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT năm 2019.
Phạm vi kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, không có sự đánh đố.
Với đề đọc hiểu văn bản với 4 câu hỏi được phân hóa theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Câu 1: Với mức độ nhận biết về thể loại thơ đây là một câu “gỡ” điểm cho học sinh và là một câu hỏi quen thuộc đối với học trò nhiều năm: “đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào” thí sinh dễ dàng ăn điểm ở câu này. Khác với nhiều năm yêu cầu xác định về phương thức biểu đạt hay phong cách ngôn ngữ văn bản.
Câu 2: Yêu cầu mức độ học sinh thông hiểu dựa vào nội dung ngữ liệu đoạn trích không có tính đánh đố “Chỉ ra hai hình ảnh của đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung”.
Đây là một câu hỏi có tính thực tiễn cao vừa mang tính thời sự, học sinh có thể liên hệ để thấy thiên nhiên miền Trung khắc nghiệt như thế nào? Mảnh đất miền Trung khắc nghiệt với nắng với gió,thiên tai bão lũ và đất đai không màu mỡ, điều ấy ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây như thế nào để thấy thêm những phẩm chất tốt đẹp của người dân nơi đây.
Câu 3: Yêu cầu học sinh nêu hiểu biết của mình về mảnh đất và con người miền Trung thông qua một đoạn ngữ liệu trong văn bản, với câu hỏi này học sinh phải phân tích và lý giải bên cạnh dựa vào phần ngữ liệu có sẵn, bên cạnh đó có thể kết hợp với những kiến thức thực tế của mình về mảnh đất miền Trung.
Có thể thấy những câu hỏi được phân hóa theo các cấp độ khác nhau nhưng vẫn xoay quanh để làm nổi bật hình ảnh mảnh đất và con người miền Trung rất gần với tình hình thực tế năm nay với hoàn cảnh bão lũ xảy ra ở miền Trung đợt cuối năm 2020 vừa rồi.
Câu 4: Với yêu cầu thí sinh nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong đoạn trích. Đây là một câu hỏi mang tính vận dụng cao.
Với câu này học sinh phải vừa phải phân tích lý giải vừa phải tổng hợp để viết thành một đoạn văn ngắn trình bày nhận xét của mình dựa vào nội dung của văn bản.
Bên cạnh đó, học sinh có thể tự đưa ra quan điểm của mình để lý giải thấy được tình cảm yêu thương đồng cảm của tác giả đối với cuộc sống trước thiên nhiên khắc nghiệt của con người miền Trung, đồng thời thấy được sự ca ngợi, trân trọng của tác giả đối với những đức tính đáng quý của con người nơi đây.
Tính thời sự của đề rất cao
Câu 1, phần làm văn – Nghị luận xã hội: yêu cầu thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày “suy nghĩ của bản thân về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách”.
Cô Hằng cho rằng, những câu hỏi dựa trên ngữ liệu của văn bản ở phần đọc hiểu có tính thực tế và tính thời sự rất cao. Ở phần này học sinh dễ dàng lấy được những dẫn chứng trong thực tế từ những tư liệu trong đợt bão lũ miền trung cuối năm vừa qua. Trong quá trình làm bài cần chú ý đến những khía cạnh của nội dung tránh chỉ ca ngợi một chiều, cần nhìn nhiều mặt của vấn đề để bài viết có sức thuyết phục và chất lượng.
Trong câu Nghị luận văn học: Yêu cầu phân tích hình tượng dòng sông Hương trong đoạn trích cho sẵn không làm khó mọi thí sinh ở các trình độ. Tuy nhiên, về yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường lại yêu cầu học sinh bên cạnh kiến thức cơ bản về tác phẩm cần nắm vững được kiến thức về tác giả. Bên cạnh đó đòi hỏi thí sính phải có kiến thức về lý luận, am hiểu về phong cách nhà văn mới có thể có những nhận xét xác đáng và “ăn điểm” tốt của câu này.
Đây có thể coi là một trong những nội dung mang tính phân hóa trong đề thi. Với mức độ vừa sức tuy nhiên để đạt điểm cao học sinh thật sự phải nắm chắc kiến thức và có một lộ trình ôn thi thật vững.
Cấp độ phân hóa: Đề minh họa có độ phân hóa. Mặc dù bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn có những câu hỏi mang tính phân hóa để lựa chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc. Để đạt được điểm 9, 10 các em phải học thực sự tốt. Đề có khả năng phân hóa học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, yếu kém.
Nhìn chung Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, đồng thời vẫn phát huy được cá tính sáng tạo của học trò, phân hóa được trình độ của học sinh. Đặc biệt hướng học sinh đến góc nhìn thực tế, mang tính thời sự vì vậy nếu không có kiến thức xã hội học sinh cũng không thể làm tốt và đạt điểm cao với đề này.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY