Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết nhận xét đề tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trung tâm Hocmai nhận định: Đề minh họa môn Ngữ văn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm.

Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.

Cụ thể, phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ 16 câu, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức.

Cũng như đề tham khảo và đề chính thức kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2019 – 2020, hai câu hỏi 1 và 2 cho phần Đọc hiểu của đề minh họa môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021 đều dừng lại ở mức độ câu hỏi nhận biết với những tín hiệu khá rõ ràng.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Câu hỏi số 1 yêu cầu nhận biết về một yếu tố hình thức của ngữ liệu, đó là thể thơ; câu hỏi số 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu, đó là yêu cầu “Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung”.

Với yêu cầu nhận biết, đây sẽ là những câu hỏi giúp học trò dễ dàng đạt mức điểm tuyệt đối dành cho mỗi câu hỏi, thường có thể từ 0,5 tới 0,75 điểm.

Câu hỏi số 3 hướng tới mức độ vận dụng và thông hiểu khi yêu cầu thí sinh lí giải cách hiểu về các hình ảnh trong ba dòng thơ trích từ ngữ liệu đọc hiểu: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” – các em phải “vận dụng” kiến thức về tu từ nghệ thuật, kiến thức địa lí, văn hóa… để “thông hiểu” ý thơ, nhận ra mối liên tưởng khá thú vị từ hình dạng của dải đất miền Trung tới tình người sâu đậm, ngọt ngào…

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Câu hỏi số 4 có thể coi là câu hỏi mang tính chất tổng hợp khi xuất phát từ nền tảng của sự thông hiểu mà hướng tới mức độ vận dụng và vận dụng cao, xác định đúng mạch ý tình trong đoạn trích, đồng thời vận dụng những kiến thức xã hội, lịch sử, địa lí… để có cái nhìn chân thực, chính xác về tình cảm tác giả dành cho miền Trung, nỗi xót thương cho mảnh đất đói nghèo, khắc nghiệt, khô cằn…, tình yêu tha thiết với vùng đất có những con người cơ cực, nhọc nhằn mà tài hoa, tình nghĩa!

Nhìn chung, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết đánh giá: với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kì thi THPT Quốc gia trước đây, phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kĩ năng hứa hẹn khả quan cho quĩ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn không đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT.

Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian…

Theo đề minh họa năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu “phân tích hình ảnh sông Hương” trong một trích đoạn ngữ liệu ngắn gọn – đoạn văn miêu tả thủy trình của sông Hương khi đã ra khỏi những cánh rừng đại ngàn, trôi chảy giữa ngoại vi thành Huế - sau đó là yêu cầu nhận xét về tính trữ tình trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích.

Một trích đoạn ngắn làm ngữ liệu nghị luận, hai câu lệnh với hai yêu cầu về nội dung nghị luận vừa hòa kết, vừa tách bạch, câu nghị luận văn học cũng không làm khó cho học sinh trong quá trình làm bài.

Nhìn chung, nếu đề minh họa đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi!

* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.