Nhận định của cô Nguyễn Thị Bích Dậu - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Về hình thức: Bài thi môn Sinh vẫn giữ nguyên hình thức như bài thi năm 2020 gồm 40 câu (từ câu 81 đến câu 120); hình thức câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đó có dạng câu hỏi lựa chọn 1 phương án đúng trong các phương án cho trước và dạng câu hỏi đếm số mệnh đề đúng.
Về nội dung: Cấu trúc nội dung kiến thức bài thi không có sự thay đổi, kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12 gồm các phần:
Cơ sở vật chất và cơ chế di truyền, Quy luật di truyền, Di truyền học quần thể, Di truyền học người, Ứng dụng di truyền học, Tiến hoá, Sinh thái học, Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở thực vật và động vật.
Trong đó, phần các quy luật di truyền chiếm tỉ trọng nhiều nhất (27,5%), tiếp đến là phần Sinh thái học (20%), Cơ sở vật chất và cơ chế di truyền (17,5%).
Ngoài ra, đề thi với các câu hỏi tập trung vào kiến thức sinh học, đòi hỏi học sinh phải có hiểu biết về các cơ chế sinh học, không đánh đố học sinh về mặt toán học.
Trong đề có khoảng 37,5% bài tập và 62,5% lý thuyết. Với cấu trúc như vậy, học sinh cần ôn tập để nắm vững các kiến thức lý thuyết nền tảng. Đồng thời cấu trúc nội dung duy trì ổn định giúp học sinh định hướng nội dung ôn và có kế hoạch ôn tập sớm.
Về mức độ đề: Bài thi môn Sinh học có mức độ đề vừa phải, phần lớn các câu hỏi/bài tập thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu (70%), vận dụng (30%).
Như vậy, học sinh không quá khó để đạt mức điểm 6 – 7, tuy nhiên cũng cần có kế hoạch và phương pháp học tập phù hợp.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY