Một trong hai giải Nhất của cuộc thi KHKT cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm nay thuộc về đề tài "Nghiên cứu tận dụng phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất".
Thật bất ngờ rằng đề tài nghiên cứu liên quan đến đất, đến rơm rạ này lại có chủ nhân là hai học sinh thành phố xịn: Phạm Vũ Tuấn Phong và Nguyễn Bảo Ngọc - Học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên KHTN (ĐHKHTN-ĐHQGHN).
Tuấn Phong và Bảo Ngọc đang học lớp chuyên Tin và chuyên Toán, hai lớp chuyên tưởng như không hề liên quan đến nội dung của đề tài. Nhưng bằng niềm say mê nghiên cứu, mong ước trở thành những nhà khoa học, các em đã giành chiến thắng.
Nói về nguyên nhân lựa chọn đề tài, Phong và Ngọc cho biết: Trong những năm gần đây, tình trạng đốt rơm rạ khu vực ven đô gia tăng. Mỗi lần vào mùa gặt, khói do đốt rơm ra từ ngoại thành bay vào thành phố, gây ra những vấn đề môi trường như gây khói bụi, mất năng lượng và ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đất trong quá trình đốt, ô nhiễm nguồn nước.
Tuấn Phong kể: Mỗi lần về quê, thấy khói mù mịt bay ra từ những cánh đồng và bay vào thành phố, em nảy sinh ra ý tưởng là có thể tận dụng những cọng rơm kia để làm thứ gì khác hay không, vừa đỡ phải đốt sinh ra khói mù mịt, vừa mang lại những giá trị về kinh tế, về môi trường.
Khi trình bày ý tưởng nghiên cứu, các thầy cô trong trường đều rất ủng hộ. Và với sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Ngọc Minh, chúng em đã bắt đầu nghiên cứu.
Quá trình nghiên cứu được khởi động từ tháng 4/2015. Chúng em đã nhiều lần về những vùng nông thôn ở Hà Nội, rồi lên tận Thái Nguyên để lấy mẫu rơm rạ về phòng thí nghiệm, tìm hiểu nghiên cứu một số đặc tính cơ bản và khả năng ứng dụng đa lĩnh vực của phytotith có trong rơm rạ.
Sau một thời gian nghiên cứu, chúng em thấy rằng việc đốt rơm rạ cần được tiến hành một cách khoa học để đạt được 2 mục tiêu: Giảm sự phân hủy chất hữu cơ (gây ô nhiễm khói và phát thải khí nhà kính) và kiểm soát dạng tồn tại của phytolith trong môi trường đất lúa nhằm nâng cao khả năng lưu chứa hoặc cung cấp khoáng chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây.
Kết quả nghiên cứu còn cho phép đề xuất biện pháp xử lí rơm rạ tối ưu để đạt được mục tiêu là đốt yếm khí. Bên cạnh đó, phytolith là một cấu trúc khoáng xốp rỗng, có tỉ diện cao và có lưới điện tích âm khá lớn trên bề mặt, nên nó được cho là một tác nhân cố định chất ô nhiễm rất tốt trong môi trường đất.
Đề tài được đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn khi hướng dẫn người dân dùng rơm rạ sau mỗi vụ mùa để đun nấu bằng bếp khí hóa. Phong giải thích, việc đốt yếm khí tạo ra năng lượng để đun nấu, không tạo khói độc hại hay CO2, còn phụ phẩm là tro có thể dùng để bón ruộng.
Vui mừng khi đoạt giải cao nhất của cuộc thi, Bảo Ngọc chia sẻ: Giải thưởng là kết quả do công sức chúng em bỏ ra và cũng là những kiến thức mà chúng em thu nhận được từ nhà trường.
Việc chọn đề tài là yếu tố thành công và tính thực tiễn của đề tài là vô cùng quan trọng. Ngoài ra em thấy điều quan trọng nhất là niềm đam mê và công sức của mình bỏ ra cho đề tài.
Đối với học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường thực hiện nghiên cứu khoa học là vô cùng hạnh phúc và vinh dự. Chúng em luôn mong muốn được trở thành những nhà khoa học tương lai do đó việc tổ chức cuộc thi này rất có ý nghĩa đối với chúng em và đã tạo nên sân chơi cho chúng em.
Qua cuộc thi, em đã học được rất nhiều điều bổ ích. Những lần tìm hiểu thực tế, em đã hiểu thêm về những kiến thức đã được học trên lớp.
Trong quá trình làm đề tài, chúng em đã học được rất nhiều kĩ năng viết bài và nghiên cứu khoa học để trở thành một nhà khoa học thực sự sau này.
Đến cuộc thi này chúng em được giao lưu với rất nhiều bạn, học được cách trao đổi thông tin về nghiên cứu khoa học. Em cũng rèn luyện được khả năng trình bày ý tưởng trước mọi người, không còn "run" như trước nữa.
"Chúng em cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho chúng em một cuộc thi khoa học thế này, để những bạn có ý tưởng khoa học hay và thực tiễn có thể thể hiện được khả năng của mình" - Bảo Ngọc tâm sự.