Đề phòng biến chứng mãn tính từ bệnh thoái hóa đốt sống

GD&TĐ - Thông thường, phần đốt sống cổ từ C3 đến C7 sẽ chịu nhiều tác động từ bên ngoài nên dễ bị tổn thương và có nguy cơ thoái hóa cao nhất.

Bệnh thoái hoá đốt sống cổ thường tiến triển chậm. Ảnh minh họa.
Bệnh thoái hoá đốt sống cổ thường tiến triển chậm. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây các cơn đau

Thoái hóa đốt sống là nguyên nhân gây ra các cơn đau lưng từ âm ỉ tới dữ dội, tê bì chân, khó vận động… ở khoảng 35% dân số Việt Nam. Đặc biệt, bệnh xảy ra nhiều ở giáo viên.

Chị Bùi Thuý Nga - giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ thường xuyên bị đau vai gáy. Do chủ quan, nữ giảng viên không đi khám. Sau nhiều ngày, chị rơi vào tình trạng tê một cánh tay bên phải.

Trong khi đó, chị Đặng Thục Hà My - giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ Bình Minh cũng cho biết luôn cảm thấy đau vai, cổ. Sau thời gian dài “sống chung” với tình trạng này, chị My đi khám và được kết luận thoái hoá đốt sống cổ.

Theo PGS.TS Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Nội - Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng đĩa đệm, đốt sống bị suy thoái do bị bào mòn lớp sụn và xương dưới sụn.

Bệnh lý này tương đối phổ biến, nhất là ở những người trên 60 tuổi, chiếm tỷ lệ 85%. Đáng lưu ý, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể biến chứng mạn tính, gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm chức năng vận động của người bệnh.

Chuyên gia giải thích, đốt sống cổ (hay còn gọi cột sống cổ) là phần xương kết nối giữa đầu và thân, chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Nếu quan sát từ bên ngoài vào, chiều dài của đốt sống cổ khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, thực tế, phần này được cấu tạo bởi 7 đốt sống, được đặt tên lần lượt từ C1 đến C7 theo thứ tự từ trên xương sọ xuống. Trong đó, hai đốt sống C1 và C2 có vị trí gần như cố định, giữ vai trò điều khiến chức năng vận động của cổ.

Từ vị trí thứ 3 trở đi, các đốt sống cổ được ghép lại với nhau tạo thành phần cột sống cổ dưới, ngăn cách bởi nhiều đĩa đệm. Thông thường, phần đốt sống cổ từ C3 đến C7 sẽ chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Do đó, những đốt sống này dễ bị tổn thương và có nguy cơ thoái hóa cao nhất.

Bác sĩ Đặng Hồng Hoa chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khác khiến đốt sống cổ bị thoái hóa, gồm tính chất công việc phải thường xuyên cố định ở một tư thế, hoặc ngồi một chỗ quá lâu.

Hoặc, nguyên nhân khác bao gồm: Người ít vận động do tuổi đã cao, mắc các bệnh lý không đi đứng được; hoạt động sai tư thế như ngủ nghiêng một bên, ngủ gối quá cao, cúi người sâu khi mang vác đồ nặng...

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn khiến quá trình tái tạo sụn, xương suy giảm; chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Cùng với đó là thói quen sinh hoạt không lành mạnh như thường xuyên thuốc lá, rượu bia... hoặc những dị tật cột sống bẩm sinh...

Bệnh nhân thoái hoá đốt sống cổ cần chú ý vận động nhẹ nhàng và vừa sức. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân thoái hoá đốt sống cổ cần chú ý vận động nhẹ nhàng và vừa sức. Ảnh minh họa.

Bệnh tiến triển chậm

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý cơ xương khớp mạn tính đe dọa sức khỏe mọi lứa tuổi, cũng như ngành nghề. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người cần trang bị kiến thức về cách phòng bệnh. Đồng thời, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, nếu có những dấu hiệu bất thường.

TS.BS Hoàng Trung Dũng, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh thoái hoá đốt sống cổ thường tiến triển chậm, khi các triệu chứng có biểu hiện thường thấy nhất.

Đó là người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên.

Chẩn đoán lâm sàng bệnh có thể phân chia ra 4 loại hội chứng: Hội chứng cột sống cổ, hội chứng rễ thần kinh cổ, hội chứng động mạch đốt sống và hội chứng ép tủy.

Theo chuyên gia này, ở hội chứng cột sống cổ, bên cạnh đau, bệnh nhân có thể kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính. Cơn đau tăng lên ở tư thế cổ thẳng hoặc cúi đầu kéo dài, mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng, thay đổi thời tiết đặc biệt bị nhiễm lạnh…

“Đối với hội chứng rễ thần kinh cổ, tùy theo vị trí rễ tổn thương mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau tại vùng gáy, đau quanh khớp vai. Nếu đau sâu trong cơ xương, bệnh nhân có cảm giác nhức nhối. Có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến các ngón tay.

Đau tăng lên khi vận động cột sống cổ ở các tư thế hoặc khi ho, hắt hơi, ngồi lâu…”, TS Dũng giải thích. Trong khi đó, hội chứng động mạch đốt sống là khi bệnh nhân nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng.

Đáng chú ý, với hội chứng ép tủy, tùy theo mức độ và vị trí tổn thương mà biểu hiện chỉ ở chi trên hoặc cả thân và chi dưới. Bệnh nhân bị ép tủy thường có dáng đi không vững, đi lại khó khăn, yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi, dị cảm.

Theo chuyên gia này, để chẩn đoán bệnh thoái hoá đốt sống cổ, các bác sĩ có thể sử dụng những phương pháp như chụp Xquang, CT và MRI cột sống cổ. Đối với cận lâm sàng, có thể chụp cộng hưởng từ cột sống cổ, điện cơ hoặc xét nghiệm máu (trong trường hợp để phát hiện các dấu hiệu viêm….).

Với những đặc điểm trên, TS.BS Hoàng Trung Dũng cho biết, điều trị bệnh thoái hoá đốt sống cổ cần tránh các can thiệp tối đa. Thay vào đó, phải giải quyết nguyên nhân gây đau.

Với những bệnh nhân thoái hoá đốt sống cổ, chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên các biện pháp không dùng thuốc. Cụ thể, các biện pháp gồm nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, chườm lạnh, hạn chế vận động… Tuy nhiên, bệnh nhân phải chú ý chỉ được vận động nhẹ nhàng và vừa sức.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc kèm theo như: Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, NSAIDS (trong trường hợp viêm/dùng thuốc giảm đau chưa đỡ), vitamin nhóm B. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid tiêm hoặc gây tê tại chỗ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.