Nhớ về những buổi đi rừng với đôi chân phồng rộp, mắc màn ăn cơm tránh ruồi vàng, kham khổ, thiếu thốn… thầy càng thấy tự hào hơn khi mỗi năm lại thêm một lứa học sinh nên người.
“Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”
Thầy Phạm Văn Khiêm là Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học 1 Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Từ nhỏ, nghề giáo đã được thầy lựa chọn với mong muốn “rèn luyện tính cách, con người chỉn chu”. Đến nay, thầy đã có 21 năm đứng lớp vùng cao.
Thầy Khiêm sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học Nam Sách, Hải Dương. Qua lời kể của thầy, tôi phần nào cảm nhận được những năm tháng cơ cực, thiếu thốn trăm bề của thầy giáo trẻ trên chặng đường gieo chữ cho các em bé dân tộc người Hà Nhì, Thái, Mông… nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc này.
Năm 1999, thầy nhận nhiệm vụ công tác tại Trường THCS Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu). Vốn là người thừa hưởng tính cách xông pha, không ngại khó, ngại khổ từ cha - một thủy thủ lái tàu viễn dương nên thầy giáo trẻ Phạm Văn Khiêm khi ấy hăng hái khăn gói lên đường đi Tây Bắc dạy học.
“Tôi còn nhớ chiếc xe khách lên Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ khi đó là chiếc xe oát hồng, vài chiếc ghế xộc xệch khiến người ngồi không thể vững chân. Đường sá xa xôi cách trở, 1 bên là vách đá dựng đứng, một bên là sông Đà cuộn sóng. Đường từ trung tâm vào bản còn phải thêm một chặng nữa với chiếc “zin 3 cầu” cũ kỹ”, thầy Khiêm nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất miền biên viễn.
Sau 9 tháng giảng dạy, thầy Khiêm đăng ký tham gia chương trình phổ cập tiếng phổ thông tại xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè. Từ trung tâm xã vào Pa Vệ Sử phải đi mất 1 ngày trên con đường độc đạo với núi rừng cheo leo và cỏ lau mọc kín đầu người. Thầy Khiêm cùng đồng nghiệp khoác ba lô, chụp mũ tai bèo hành quân giữa rừng núi heo hút.
“Với mức lương 500 nghìn đồng một tháng khi đó, để thuê người vác mỗi kg lương thực sẽ mất 5 nghìn đồng. Chúng tôi gồm 2 người mang theo mình 20kg hành lý, nếu trả tiền thuê vác sẽ không còn là bao nên đành chia nhau cõng hành lý”, thầy Khiêm nhớ lại.
Đặt chân đến nơi cũng là thời điểm chập choạng tối, cả hai đều thấm mệt và tìm được nhà một cán bộ xã.
“Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” là câu nói ám ảnh với bất kỳ ai đã lên với vùng đất xa xôi heo hút này. Thầy Khiêm không nghĩ rằng, bàn chân phồng rộp vừa được nghỉ ngơi trong vài phút đã bị những con ruồi vàng bu lại đốt thâm tím, tụ máu. Đó là lần đầu tiên trong đời thầy giáo trẻ phải mắc màn ăn cơm.
“Bữa cơm tối với đồng bào dân tộc không điện, với chút nước ít ỏi đựng trong ống tre. Chúng tôi cố nuốt mấy sợi mì bõng bõng trong ống nứa để lấy sức. Khi ăn, lấy đóm làm đũa, sì sụp trong màn để tránh những cú đốt gây sưng tím, rát buốt của ruồi vàng”, thầy Khiêm nhớ lại.
Sau một ngày thấm mệt, thầy giáo trẻ thiếp đi trên chiếc chõng tre có chiều dài 90cm, trong khi thầy cao hơn gấp đôi chiều dài của chiếc chõng. Ở nơi mảnh đất xa xôi, không điện, không đường, thiếu thốn trăm bề đã khiến nhiệt huyết của người thầy trẻ bỗng chùng xuống.
“Nơi này khổ quá, có lẽ mình không thể chịu nổi”, chàng thanh niên trẻ tự nhủ. Phút yếu lòng ấy đã khiến thầy giáo trẻ khi ấy nghĩ đến quyết định khăn gói “quay đầu” về xuôi. Nhưng khi ở bên gia đình, thầy luôn băn khoăn day dứt về những mảnh đời khốn khó vùng cao.
Cứ nơi xa nhất mà đến
Năm 2000, thầy Khiêm viết đơn xin về giảng dạy tại Trường Tiểu học Mường Nhé. Đây là nơi xa nhất, cách trung tâm huyện 93km. Chặng đường từ trung tâm huyện đến điểm trường mất 3 ngày đi bộ đằng đẵng. Một mình trên con đường độc đạo, sáng đi bộ, tối đến ngủ nhờ tại lán nương của dân khiến đôi bàn chân thầy Khiêm phồng rộp, cơ thể bải hoải. Với sự bền bỉ, cuối cùng điểm trường cũng xuất hiện giữa núi đồi sừng sững trong mắt thầy giáo trẻ.
“Học sinh Trường Tiểu học Mường Nhé khi đó ở tuổi 16, 17 mới chỉ học đến lớp 4, lớp 5 và bập bẹ biết tiếng phổ thông. Những năm đầu đứng lớp tôi là thầy nhưng chỉ hơn các em học sinh chừng 4 - 5 tuổi”, thầy Khiêm nhớ lại.
Điểm trường tập trung con em đồng bào ở nhiều điểm bản theo học. Trong số gần 20 giáo viên đứng lớp, chỉ có 8 giáo viên được đào tạo bài bản, còn lại đa phần là các thầy cô giáo người đồng bào dân tộc. Bởi thế, nên việc giảng dạy cho các em gặp nhiều hạn chế. Thầy Khiêm phải tự học tiếng đồng bào để giao tiếp và giảng dạy cho các em.
“Phong trào học tập khi đó mới chỉ nhen nhóm. Con em đồng bào dù thích đi học nhưng chỉ mang tính tự phát, sĩ số học sinh không ổn định. Nhiều thầy cô đã băng qua từng quả đồi, đến vận động cũng như thuyết phục học sinh bám trường. Bị từ chối không ít, tôi đã ở lại nhà, cùng đồng bào làm nương rẫy, trồng rau, vui chơi cùng các em để tạo niềm tin cho các em đến trường biết con chữ”, thầy Khiêm kể.
Nhớ lại những tháng ngày cắm bản Cót Lót, một bản khó khăn nhất trên địa bàn huyện. Ở đó không có điện, không sóng điện thoại, thông tin liên lạc chỉ là những bức thư tay gửi lên. Để có ánh sáng, thầy Khiêm mua từng lít dầu, mài lon bia làm đèn, xin từng mảnh vải của người Thái để làm bấc soạn giáo án giữa cảnh rừng tĩnh mịch. Nhiều hôm thầy chong đèn dạy thêm cho các em học sinh yếu kém.
Cuộc sống của thầy giáo trẻ vẫn có những phút đấu tranh tâm lý bởi hoàn cảnh khó khăn, cơ cực đằng đẵng như thử thách sự kiên trì của lòng người. Thầy Khiêm tâm sự: “Có những hôm ốm sốt sình sịch, tôi nằm khóc rưng rức vì bố mẹ ở xa, không người thân. Đồng nghiệp thì mỗi người một bản, cách nhau cả ngày đường đi bộ. Không điện thoại, không lời thăm hỏi khiến bản thân rơi vào cảm giác hụt hẫng. Tôi thầm nhủ phải mạnh mẽ và vực dậy tinh thần để gia đình có niềm tin và tự hào với sự lựa chọn của mình”.
Thầy Khiêm đặt mục tiêu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Bằng sự say mê, yêu nghề, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm từ đồng nghiệp, thầy tự học, tự nghiên cứu để hoàn thiện bản thân. Cứ thế, về sau thầy cũng được đền đáp xứng đáng bằng danh hiệu cao quý đó.
Mãi đến tận hôm nay, thầy vẫn chưa quên được câu chuyện diễn ra vào năm học 2000 - 2001. Khi ấy, sợ thầy phải chuyển đi hoặc sẽ được bố trí làm công việc quản lý, phụ huynh ở các bản nơi thầy dạy học có đơn “Đề nghị thầy tiếp tục dạy con tôi”. “Có lẽ đối với tôi, đó là thành tích đáng nhớ nhất. Tôi chỉ mong muốn giúp được cho các em biết đọc, biết viết, biết tính toán để sau này cuộc đời các em bớt khổ. Chỉ cần học sinh tiến bộ từng chút mỗi ngày đã giúp tôi có động lực để cố gắng”, thầy Khiêm tâm sự.
Đạt thành tích là giáo viên dạy giỏi, thầy Khiêm được tín nhiệm giao nhiệm vụ là Tổ trưởng chuyên môn Trường Tiểu học Mường Nhé. Vai trò này, có bao nhiêu kinh nghiệm thì thầy truyền đạt hết giáo viên đi sau chỉ mong giúp họ thêm yêu nghề, mến trẻ.
Bổ nhiệm “thần tốc”
Năm học 2005 - 2006, thầy Khiêm nhận nhiệm vụ công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 1, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Tại đây, thầy nhận nhiệm vụ Tổ trưởng khối lớp 2 và lớp 3. Duyên lành đến sớm, qua đợt thanh tra toàn trường, tháng 6/2007, thầy Khiêm được các cán bộ thanh tra viên phòng GD&ĐT huyện ghi nhận và đánh giá cao về chuyên môn. Sau đó, thầy được bổ nhiệm và giữ chức Hiệu trưởng nhà trường. Thầy trực tiếp quản lý 24 cán bộ, giáo viên tiểu học, với hơn 300 em học sinh.
“Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sự cố gắng và trình độ chuyên môn của mình được ngành Giáo dục huyện ghi nhận. Lo vì chưa có kinh nghiệm ở cương vị mới nhiều thách thức. Nhận quyết định trong tay tôi chỉ có tâm nguyện là làm thật tốt công việc được giao trên cương vị mới”, thầy Khiêm tâm sự.
Năm 2009, qua đợt thanh tra toàn diện lần thứ 2, trường được đánh giá xếp loại tốt trong tất cả các trường được thanh tra cùng năm. Đây là động lực để thầy Khiêm và các thầy cô đồng nghiệp trong trường cùng phấn đấu giành nhiều thành tích cao hơn nữa.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, thầy Khiêm cho biết: “Mục tiêu nhà trường muốn đi lên thì giáo viên phải tốt. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên toàn trường đều đoàn kết, đồng lòng cùng giúp đỡ nhau rèn nền nếp và kỷ cương để cùng tiến bộ”.
Năm học 2020 - 2021, quy mô về trường, lớp cũng tăng lên. Toàn trường có 35 giáo viên, hơn 400 học sinh của 19 lớp. Một nửa số thầy cô là người đồng bào dân tộc tại các vùng miền Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… Từ những kinh nghiệm truyền đạt của thầy Khiêm và nỗ lực từ phía giáo viên, 8/35 giáo viên đã đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện. Thầy Khiêm cùng tập thể nhà trường đang không ngừng phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
21 năm lập nghiệp và gắn bó với mảnh đất vùng cao, trong ký ức của thầy Khiêm luôn đầy ắp những ngày gian khó. Mỗi khi kể lại, điều thầy hạnh phúc nhất vẫn là niềm tự hào khi những thế hệ học sinh cứ lần lượt nên người. Nhiều em làm cán bộ, giữ chức quan trọng, có những em làm chủ tịch xã, là cán bộ của huyện. Không ít học sinh bây giờ đã là đồng nghiệp, tiếp tục chặng đường gieo chữ, ươm mầm xanh cho thế hệ trẻ vùng cao.